Thay đổi phương thức xử lý rơm rạ để giảm tác hại đến môi trường

Theo HNP|26/09/2017 22:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông

(Moitruong.net.vn) – Trong thời gian qua, tình trạng đốt rơm rạ tại đồng ruộng diễn ra ở một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cảnh quan môi trường. Để ngăn chặn tình trạng này, thành phố đã nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, đồng thời, đưa ra các phương án hữu ích trong việc tái sử dụng rơm rạ để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Theo kết quả báo cáo từ các quận, huyện thì toàn thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó, lượng rơm rạ phát sinh mỗi năm khoảng 642 nghìn tấn (chiếm 60%) ngoài ra còn có 171 nghìn tấn trấu (chiếm 6%), thân và lá ngô khoảng 204 nghìn tấn (chiếm 19%), lõi ngô khoảng 68 nghìn tấn (5%).

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 18 quận, huyện trên địa bàn thành phố đang đốt bỏ khoảng 296 nghìn tấn rơm rạ/năm, chiếm 36,4% tổng lượng rơm rạ sinh ra. Trong khi đó hoạt động làm thức ăn cho gia súc mới chỉ đạt 13%; ủ phân bón, phân lót chuồng chiếm 11%; đun nấu là 8% và trồng nấm chiếm 8,1%. Bên cạnh đó ở một số địa phương còn sử dụng rơm làm đồ thủ công mỹ nghệ như: mũ rơm, chổi rơm…

Hiện ở một số huyện, nhiều xã thị trấn người dân có thói quen đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng. Trong đó, nhiều huyện đốt hơn 50% số rơm rạ phát sinh, như: huyện Đan Phượng 90% số rơm rạ phát sinh được xử lý bằng cách đốt; huyện Mê Linh có 70%, Hoài Đức có 69%, Thanh Trì có 60%… và một số huyện giáp ranh với với các quận nội thành là huyện Gia Lâm, Đông Anh, Ứng Hoà cũng có lượng rơm rạ đốt bỏ chiếm hơn 50%.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng sẽ tạo ra nhiều khí thải độc hại vào môi trường. Những loại khí thải chủ yếu được tạo ra bao gồm: Dioxit cacbon(CO2), cacbon monoxit (CO), metan (CH4), các oxit nito (NOx, N2O), oxit sulphur… bụi hay vật chất dạng hạt trong đó khí Dioxit cacbon (CO2) chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ kết quả thống kê và tính toán thực tế, tổng lượng khí phát sinh từ đốt rơm rạ hàng năm ước tính khoảng 273 nghìn tấn khí CO2, 224 tấn CH4, 13 tấn N2O, 6,5 nghìn CO… Do lượng rơm rạ phát sinh tại các quận, huyện là khác nhau nên lượng khí thải phát sinh cũng khác nhau. Tuy nhiên lượng khí thải phát sinh lớp tập trung ở các quận, huyện giáp ranh lại làm ảnh hưởng lớn đến không khí các quận nội thành, đặc biệt đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Bên cạnh những địa phương có lượng rơm rạ đốt nhiều thì một số huyện cũng tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống các tác hại đến môi trường do việc đốt rơm rạ. Tại huyện Quốc Oai theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch trong sản xuất được sử dụng vào mục đích ủ làm phân bón chiếm 20%, rơm rạ làm thức ăn cho gia súc chiếm 20%, sử dụng đun nấu chiếm 20%, sử dụng làm nấm 10% và tình trạng các hộ đốt rơm rạ trên đồng ruộng chiếm 30%.

Để hạn chế lượng rợm rạ đốt này, UBND huyện đã chỉ đạo Đài truyền thanh huyện và các xã phát bản tin nhằm vận động người dân, hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng, trên các đường giao thông, thực hiện làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất. Bên cạnh đó, huyện cũng mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm, khuyến khích các hộ trồng nấm rơm trên địa bàn huyện…

Bên cạnh đó, sự chủ động của các quận, huyện, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng phát động chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng để tiến hành thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ thay vì đốt rơm rạ sau mùa gặt.

Hưởng ứng chiến dịch này chính quyền xã cùng khoảng 100 hộ gia đình xã Thọ Xuân đã tình nguyện ký cam kết tham gia chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”. Tham gia chiến dịch, bà con nông dân còn được cung cấp và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền về tác hại của đốt rơm rạ và giới thiệu các giải pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ như: xử lý bằng chế phẩm sinh học, trồng nấm, ủ làm thức ăn gia súc hay năng lượng sinh học.

Phấn đấu hết năm 2017, chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” sẽ được nhân rộng trên toàn thành phố. Ngoài ra, Chi cục cũng đang nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ 30% đến 50% kinh phí trích từ nguồn ngân sách thành phố (dựa trên đề xuất của các quận, huyện) để thực hiện nhiệm vụ này. Phấn đấu năm 2018 sẽ có mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ” thay cho chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”.

Theo HNP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi phương thức xử lý rơm rạ để giảm tác hại đến môi trường