Thừa Thiên – Huế: Dân liều mình qua cầu … chờ sập

H.Đội|10/08/2017 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo người dân thôn Kim Sơn phản ánh, cây cầu bắc ngang qua hói Châu Ê, nối hai cánh đồng phục vụ việc sản xuất nông nghiệp của thôn đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hàng ngày người dân trong thôn vẫn phải đi lại và chở nông sản.

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, hàng chục hộ dân thôn Kim Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang phải thấp thỏm di chuyển qua cây cầu tạm được làm bằng tre có từ cách đây hơn 40 năm.

Cây cầu của thôn được làm chủ yếu bằng tre nứa, sửa chữa lui tới gần nửa đời người nhưng nay đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV, cây cầu có chiều dài chừng 15 m, rộng khoảng 1,5 m,  độ cao từ trên xuống dưới kênh rất sâu nhưng chỉ có hai trụ chính ở giữa; trong đó 1 cột bê tông và 1 cột sắt bị gỉ sét, bong tróc. Hai bên cầu không có lan can, không tay vịn, mặt cầu được kết nối bằng những thanh tre đã mục nát. Mỗi lần đi bộ qua cây cầu đều rung lắc và phát ra những tiếng kêu răng rắc khiến ai nấy hoảng sợ.

CT2

Trụ đỡ của cây cầu là 1 cột bê tông và 1 cột sắt ở giữa nay đã bị gỉ sét, bong tróc có thể gãy bất cứ lúc nào.

Mặc dù biết cầu xuống cấp, nguy hiểm nhưng vì cuộc sống nên người dân không có cách nào khác. Đến mùa thu hoạch, nhiều người còn bất chấp dùng xe rùa đẩy nông sản về nhà, khi qua cầu vừa đi…vừa sợ. Đây là nút giao thông quan trọng của thôn Kim Sơn nên mỗi ngày có rất nhiều lượt người và xe qua lại. Ngoài băng qua cầu để đi chợ, đi lên thành phố Huế, người dân còn dùng cầu vận chuyển đất, vật tư nông nghiệp để trồng lúa, hoa màu.

“Trước kia xe máy, xe đạp còn chạy qua chạy về được nhưng mấy năm gần đây cầu hư hỏng nặng nên không ai dám đi. Bây giờ chỉ có thể đi bộ và đẩy xe rùa còn xe máy thì không thể qua được. Mới đây khi tôi đẩy xe rùa chở hai bao cỏ vừa qua giữa cầu thì bị rơi xuống khe, may nhờ nước sâu đến ngang vai nên mới không bị thương nặng, nhưng giờ mỗi khi qua cầu cũng sợ lắm. ”, Anh Lê Tuất (thôn Kim Sơn), nhớ lại.

CT3

Người dân thôn Kim Sơn chủ yếu sống bằng nghề nông, mất cây cầu nghĩa là mất đi nồi cơm của họ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Con (năm nay đã ngoài 80 tuổi) hết sức lo lắng, “Thực trạng cây cầu như thế cũng đã hơn 40 năm, xuống cấp rất nhiều lần. Chỉ làm bằng tre, mau mục nát nên hằng năm, người dân trong thôn vẫn cứ đóng công, góp của sửa chữa. Nguyện vọng của dân là mong nhà nước quan tâm giúp đỡ việc đi lại hơn cho bà con nơi đây”.

Được biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương qua các buổi họp, tiếp xúc cử trị về tình trạng cây cầu. Cách đây mấy năm, có đoàn khảo sát đến thăm dò địa chất ở khu vực cây cầu tạm này nhưng cũng đến rồi đi.

CT4

Trao đổi với phóng viên, anh Tuất không khỏi rùng mình khi nhớ về giây phút bị rơi xuống cầu mấy tháng trước.

Ông Trần Hữu Ánh, Trưởng thôn Kim Sơn cho hay, cây cầu này được xây dựng giai đoạn năm 1977-1978 với mục đích chính phục vụ cho nông nghiệp. Trải qua 40 năm, cầu xuống cấp, hư hại trầm trọng. Hiện tại khu vực cầu bắc qua có 20 hecta đất sản xuất nông sản của 55 hộ dân trong thôn. Để đối phó tạm thời, một năm người dân tu sửa hai đợt nhưng với hình thức thủ công bằng cách chắp vá các thanh tre.

Ông Lê Văn Thìn- Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: “Trước mắt, xã sẽ cho tiến hành kiểm tra, nếu nhu cầu của người dân ít thì xã sẽ tiến hành sửa chữa, khắc phục trong khả năng. Còn nếu nhu cầu của người dân lớn hơn thì xã sẽ báo cáo lên cấp trên xem xét”.

Trước thực trạng mùa mưa bão đang đến gần, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân rất mong chính quyền tạo điều kiện để người dân thôn Kim Sơn có một cây cầu mới, qua đó để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.

                                                                                           H.Đội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Dân liều mình qua cầu … chờ sập