Thừa Thiên Huế: Thăm người dân Làng chài bị “xóa sổ” trong trận lũ lịch sử năm 1999

03/11/2019 15:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 3/11, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chuyến thăm, tặng quà các hộ gia đình, các địa phương bị thiệt hại nặng nề về người trong cơn lũ lịch sử xảy ra năm 1999.

Theo đó, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình có người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử cách đây 20 năm tại Làng Rồng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Ngôi làng có rất nhiều gia đình bị mất đi người thân trong cơn đại hồng thủy năm ấy, trong đó có gia đình ông Trần Văn Thu có đến 12 người thiệt mạng.  

Ông  Phan Ngọc Thọ chia sẻ nỗi đau với người thân gia đình có 12 người bị thiệt mạng

Thăm và trò chuyện với người dân Làng Rồng, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vui mừng khi thấy người dân nơi đây đã biết vượt qua những khó khăn, mất mát, thiếu thốn của những ngày đầu. Giờ đây, cuộc sống của người dân làng Rồng đã có những khởi sắc, với những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ. 

“Sau 20 năm xảy ra cơ lũ lịch sử, được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, tất cả các khu vực dân cư bị thiệt hại do cơn lũ 1999 đã được hồi sinh, trong đó có làng Rồng. Mất mát nào rồi cũng sẽ qua đi, chúng ta phải biết phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực cùng nhau vươn lên, biến khó khăn thành cơ hội, luôn hướng về phía trước. Người dân và chính quyền phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, người dân có cuộc sống no ấm và hạnh phúc”. Ông Phan Ngọc Thọ nói.

Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho gia đình có người thân bị mất tại Làng Rồng

Làng Rồng là cái tên do chính Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho làng với mong muốn những người dân còn sống sót sau trận lũ lịch sử năm 1999 sẽ có cuộc sống đầy đủ, ấm no và phát triển mạnh mẽ hơn.

Cũng trong sáng cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ cùng đoàn đã đến thắp hương, dâng hoa tại nơi thờ 2 liệt sĩ: Trung sỹ Lê Đình Tư và Đại úy Phạm Văn Điền, cán bộ Hải Đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh) hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân trong trận lũ năm 1999.  Thăm, tặng quà các gia đình có nạn nhân trong vụ sạt lở đợt lũ lịch sử năm 1999 ở Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc), thắp hương khu thờ chung của 13 nạn nhân kể trên. 

Cơn lũ năm 1999 là một bài học lớn trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy trong những năm qua, tỉnh đã luôn nỗ lực và triển khai nhiều phương án phòng chống, chủ động ứng phó với thiên tai. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), luôn coi trọng việc lồng ghép xây dựng phát triển KTXH gắn với phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “5 tại chỗ”, Lấy công tác phòng là chính,  kết hợp nâng cao nhận thức của người dân về tác động và khả năng thích ứng với BĐKH. Tăng cường hệ thống đê kè, xử lý những vùng bị hư hỏng; tăng cường phương tiện, trang thiết bị, vật chất phục vụ công tác phòng chống bão lụt, Ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Trao đổi với cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 về công tác phòng chống lụt bão

Đồng thời ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phòng chống bão lụt rất quan trọng, là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ toàn dân, lấy phòng chống là chính. Nhận thức cảnh báo, phòng ngừa là một trong những nội dung cần được quán triệt. Những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa, người dân phải được sơ tán, di dời trước khi bão đến. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường.

Hoàng Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Thăm người dân Làng chài bị “xóa sổ” trong trận lũ lịch sử năm 1999