(Moitruong.net.vn) – Lâu nay, bãi rác tại Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, Cà Mau là nguồn sống của nhiều người nghèo. Bất chấp môi trường ô nhiễm nặng từ mớ hỗn độn của xác động vật và rác thải sinh hoạt, họ lầm lũi bới tìm những thứ người khác bỏ đi để mưu sinh.

Tia hy vọng mới cho người dân xóm rác

Cách Nghĩa trang TP Cà Mau khoảng 1 km về hướng Bắc có một vùng đất ngày đêm bốc khói mịt mù, hôi thối nồng nặc. Ông Cao Chí Phước, Trưởng Khóm 3, phường Tân Xuyên, cho biết, hơn 10 năm nay, bãi rác này là nơi mưu sinh của gần 30 hộ dân từ khắp nơi đổ về, với việc làm duy nhất là bới rác. Đi kèm với những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ bãi rác là sự nhọc nhằn và vô số bệnh phát sinh, nhất là bệnh về đường hô hấp và tiêu hoá.

Khi rác là… “nguồn sống”

Bãi rác phường Tân Xuyên là nơi tập kết rác lớn nhất tỉnh Cà Mau, với diện tích khoảng 25 ha. Những tưởng bãi rác là nơi không ai lui tới, thế nhưng, hơn 10 năm qua, đây là nơi đã nuôi sống rất nhiều người.

Ông Kiều Phước Vũ, Tổ trưởng khu lưu cư tại bãi rác, cho biết, dân ở đây sống nhờ rác, nơi ở cũng nhờ rác. Chỉ tay xung quanh bãi rác, ông Vũ nói: “Trước đây vật liệu làm nên những căn lều của cư dân nơi đây là đồ lượm từ bãi rác. Đó là nơi tá túc của những gia đình không mảnh đất cắm dùi, nhưng nay khác rồi”.

Giữa trưa nắng, đôi tay thoăn thoắt cào, nhặt nhạnh mọi thứ có thể bán được, bà Lê Như Ý, 62 tuổi, quê Vĩnh Long, thỏ thẻ: “Vì mưu sinh nên tôi lặn lội xuống đây. Lúc trước còn khoẻ tôi mua gánh bán bưng, sau sức lực suy giảm nên chuyển sang nhặt rác, mới đó đã hơn 20 năm”.

“Mấy hôm trước bị xe ba gác đè vào chân, bàn chân bị vết cắt khá sâu khiến tôi khó khăn khi đi làm. Biết sẽ nhiễm trùng vì tiếp xúc với rác suốt nhưng vẫn phải làm, chứ nghỉ một ngày là đói”, bà Ý than thở.

Bà Ý kể, lúc mới đi nhặt rác, bà ho cả tháng trời, nhưng ngửi mãi, ăn ngủ với rác mãi cũng thành quen.

Hơn 30 gia đình ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, tứ xứ gặp nhau trên bãi rác Cà Mau này. Chị Lê Ngọc Lựu, ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, đi khắp nơi kiếm sống nhưng do học vấn ít, không có nghề, khó tìm việc nên cũng đi bới rác đã 18 năm nay.

Lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Lựu tâm sự, chị lấy chồng cùng nhặt rác. Những năm tháng mưu sinh, anh chị đem lòng yêu thương nhau, rồi dắt díu về sống chung mà chẳng đăng ký kết hôn. Chị Lựu nói: “Cứ thương nhau thì về sống chung thôi, cả hai đều không biết chữ nên không đăng ký. Nghèo lấy tiền đâu mà cưới hỏi”.

Chị Lựu trầm ngâm, cái ăn hằng ngày phải chạy từng bữa, nên sắm sửa đồ dùng trong nhà rất ít. Chị nhặt đủ thứ để bán, cũng có nhiều món đem về làm đồ dùng trong nhà.

Và mỗi ngày, khoảng 4 giờ sáng, chị lại đeo ủng, mang bao tải đựng rác cùng chiếc cào 2 răng hối hả về núi rác chờ xe đến. Chị quần quật bới móc cả ngày kiếm được gần 100.000 đồng.

“Hiện vợ chồng tôi nuôi cha già và 2 đứa con đi học. Cuộc sống tuy lắm bộn bề, nhưng nhìn 2 đứa con chăm ngoan, học khá cũng ấm lòng. Hy vọng đời các con của tôi sẽ hơn cha mẹ nó”, chị Lựu tâm sự:

Tiếp tục hỗ trợ…

Từ năm 2008, tỉnh Cà Mau cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, vật tư xây dựng khu lưu dân cư cạnh bãi rác, tập trung những hộ bới rác vào đây sinh sống. Tuy đã an cư nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Ngồi trong căn nhà số 8, chị Lựu hồi tưởng: “Nhớ lại hơn 10 năm trước, cả gia đình dựng lều sống ở bãi rác, chỉ một góc hẹp, chất đầy phế liệu. Tôi cứ tưởng cả đời sẽ không có căn nhà che nắng, che mưa. Còn bây giờ, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ hơn, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười”.

Nhờ có sổ hộ nghèo nên con chị, cháu Nguyễn Chí Nghĩa, học lớp 5, được miễn giảm học phí. Hằng ngày, sau những giờ đi học, em đều tranh thủ bới rác để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Có hôm em cũng kiếm được gần 100.000 đồng.

Chiều tàn, những đống rác đã xẹp xuống, một ngày mưu sinh của bà Ý, chị Lựu, cháu Nghĩa cũng khép lại. Họ ra về, mỗi người một chiếc xe chở theo đống phế liệu phía sau. Những ngôi nhà sáng đèn, cùng tiếng đánh vần ê a đang chờ đón họ.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, cho biết, có 28 hộ dân trong xóm lưu cư tại bãi rác, trong đó có 5 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Hiện tại cả xóm có tất cả 64 trẻ, đặc biệt không có trẻ nào đến độ tuổi vào lớp 1 mà bỏ học. Địa phương đang cố gắng triển khai, định hướng cho bà con làm ăn thoát nghèo, chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống.

Ông Kiều Phước Vũ thông tin: “Hầu hết các chương trình hỗ trợ, từ thiện nhân đạo, phường đều ưu tiên chuyển về cho bà con ở đây. Địa phương còn tạo điều kiện cho những hộ nghèo sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí cho các em học sinh. Nhờ vậy, những năm qua, nhiều hộ chịu khó làm ăn, vươn lên thấy rõ. Hy vọng thời gian tới chính quyền sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống”.

Theo CMO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tia hy vọng mới cho người dân xóm rác