Tìm biện pháp bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học 3000 năm

Ngọc Mai (t/h)|12/07/2018 10:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 11/7, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội”. 

Những hiện vật được tìm thấy tại di chỉ Vườn Chuối (ảnh tư liệu)

Di chỉ Vườn Chuối có tổng diện tích khoảng 19.000m2, đến nay đã trải qua 8 lần khai quật khảo cổ. Lần khai quật đầu tiên vào năm 1969 do Viện Khảo cổ học thực hiện với diện tích 100m2. Từ năm 2001 đến năm 2014, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội tiến hành khai quật tiếp, diện tích khai quật được mở rộng, đến nay là 800m2. Kết quả 8 lần khai quật di chỉ Vườn Chuối cho thấy, ở đây có 3 giai đoạn văn hoá từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết trong 8 lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 11 hố chôn cột, 29 mộ táng, trong đó có một mộ thuộc văn hóa Đồng Đậu, còn lại là văn hóa Đông Sơn, dấu tích bếp và lò đúc đồng… Tại các hố khai quật này, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều di vật cổ bằng đá, đồng của người Việt cổ gồm: 15 vạn mảnh gốm, 50 hiện vật gốm nguyên vẹn và sứt vỡ, 200 hiện vật bằng đồng, 11 hiện vật bằng sắt, 1.000 hiện vật chất liệu gỗ; nhiều nhóm trang sức bằng vật liệu đá, đồng… Trong đó, nhiều di vật được tìm thấy nguyên vẹn hiện đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội để phục vụ công tác trưng bày.

Những hiện vật được tìm thấy tại di chỉ Vườn Chuối (ảnh tư liệu)

Tại buổi tọa đàm sáng 11/7, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – người viết những bức thư kêu cứu cho di sản, đề nghị các nhà khoa học cùng các cơ quan quản lý bàn thảo tìm ra biện pháp bảo tồn. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, việc đầu tiên là phải đưa khu vực này vào vòng bảo vệ của pháp luật, nghĩa là cần lập hồ sơ công nhận di tích cho khu di chỉ khảo cổ học vườn chuối. Ngoài ra, GS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, việc khai quật của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cùng một số đoàn của Viện Khảo cổ, Bảo tàng Hà Nội… rất hạn chế. Chính vì vậy, cần có những cuộc khai quật lớn để khoanh vùng bảo vệ (vùng lõi, vùng đệm…) của di sản. Theo quan điểm của các nhà khoa học, bắt buộc phải có cơ chế bảo vệ vùng lõi, để di sản không biến mất. Ngoài ra, phương án bảo tồn tại chỗ cũng được đặt ra, để nơi đây trở thành bảo tàng thực địa về lịch sử, đời sống sinh hoạt của người Việt.

Ngọc Mai (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm biện pháp bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học 3000 năm