TP. HCM: Số ca mắc bệnh tay chân miệng không ngừng tăng

Hà Thu (T/h)|26/09/2018 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 26/9, thông tin với báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết trong 3 tuần gần đây, số ca bệnh tay chân miệng không chỉ tăng đột biến mà còn có nhiều trường hợp diễn tiến nặng.

(Moitruong.net.vn) – Trong 3 tuần trở lại đây tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng (TCM) mới tăng đột biến.

>>> Sốc: Muỗi mang hạt nhựa siêu nhỏ làm lây lan sang thực phẩm đi vào cơ thể con người

>>>Việt Nam: Sẽ lưu hành vaccine cúm mùa, cúm A/H5N1 tự sản xuất vào đầu năm 2019

Cụ thể, số lượng trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Có đến trên 80% trẻ đang ở khoa Nhiễm – Thần kinh bị bệnh tay chân miệng (179 trẻ trên tổng số 220 trẻ).

Số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện gia tăng và có nhiều ca diễn tiến nặng

Sáng 26/9, ghi nhận tại khoa Nhiễm – Thần kinh có ít nhất 8 trẻ thở máy, 4 trẻ phải lọc máu; phòng cấp cứu có khoảng 25-30 trẻ. Các bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng cấp độ nặng được theo dõi sát sao.

Trước đó, TPHCM đã ghi nhận một trẻ tử vong vì mắc tay chân miệng. Số trẻ nhập viện do mắc bệnh này ngày càng dồn dập khiến cho khu vực khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện trở nên quá tải; nhiều giường bệnh các bé phải nằm chung.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, trong số các trường hợp bị bệnh tay chân miệng trong đợt cao điểm này, có đến 50% trường hợp được xác định mắc chủng Enterovirus 71 (EV71) – một chủng virus có độc tính mạnh, lây lan nhanh. Chính chủng virus EV71 gây ra các biến chứng, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim… dẫn đến tử vong.

Chính vì sự nguy hiểm của chủng virus EV71, các phụ huynh cần hết sức đề phòng bệnh tay chân miệng, chú ý các dấu hiệu nguy hiểm; phải đưa con đi cấp cứu như sốt cao, giật mình, tay chân lạnh, run tay… Sau 2 ngày trẻ sốt cao, phụ huynh nên đưa con đi khám bệnh.

Hiện, toàn TP.HCM đã có hơn 3 nghìn trường hợp mắc. Theo các chuyên gia y tế, đây là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh, nếu không kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng sẽ rất lớn.

Còn tại Hà Nội, trong tuần qua cũng ghi nhận 46 trường hợp mắc tay chân miệng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã có 1.586 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo trẻ em, người lớn cần giữ vệ sinh, cách ly trẻ bệnh không cho đến trường, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ sạch sẽ.

Cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ tốt nhất là cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày.

Bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…

Hà Thu (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Số ca mắc bệnh tay chân miệng không ngừng tăng