Tp. Hồ Chí Minh công bố đề án xây dựng đô thị thông minh

Hương Lê|27/11/2017 02:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều 26/11, hội nghị công bố đề án “Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.

Toàn cảnh hội nghị công bố đề án “Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”

Xây dựng môi trường sống tích cực cho người dân

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến trình bày tại hội nghị, sau hơn 1 năm chuẩn bị, đến nay đề án chính thức thực hiện, ban đầu đề án sẽ triển khai thí điểm tại quận 1 và 12.

Ông Tuyến cho biết thêm, Tp. Hồ Chí Minh triển khai đề án với mong muốn sẽ đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực và lành mạnh cho người dân.

Trong lĩnh vực giao thông, đầu tư xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe.

Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế… Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng được hạn chế.

Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

Cảnh báo chính xác thông tin triều cường, ngập lụt

Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho TP như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân cũng giúp các nhà cung cấp những dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập cũng như các kiến thức về phòng chống ứng phó với ngập lụt.

Đồng thời, siết chặt quản lý trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nội dung đề án sẽ xây dựng các công cụ để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được các nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn.

Bốn chủ thể  của đề án đô thị thông minh 

Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.

Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác

Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đô thị thông minh là liên quan đến tư duy. Đô thị thông minh thì chính quyền phải thông minh, doanh nghiệp thông minh và người dân thông minh. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nói đến thông minh thì mọi hành động phải gắn với dự báo và phải lường thấy trước, phải nhìn đến dài hạn. Do đó, thông minh thuộc về tầm nhìn nên lãnh đạo phải có tầm nhìn, doanh nghiệp có tầm nhìn, người dân phải có tầm nhìn về sứ mạng của mình một cách dài hạn hơn. Mặt khác, nói đến thông minh là hiệu quả cao, làm thế nào kết hợp các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, liên kết lại để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực vẫn không thay đổi. Ngoài ra, phải dùng được các công nghệ tiên tiến nhất như internet gắn với trí tuệ nhân tạo.

Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Đề án phải có các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và một trong những vấn đề mà đề án giúp việc phát triển kinh tế TP là dự báo để thấy trước khó khăn và giải pháp phòng ngừa. Mặt khác, môi trường sống của người dân phải tốt như hạ tầng, chất lượng không khí, y tế… Bản thân mỗi người dân, tổ chức phải phát huy tối đa năng lực của mình và trở thành chủ thể sáng tạo. Đồng thời phát triển phải có người giám sát, kiểm soát mà chính là người dân với chính quyền, doanh nghiệp và ngay với cả chính bản thân mình.

Hương Lê

Bài liên quan
  • Tạp chí Môi trường và Cuộc sống làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
    Sáng ngày 19/3/2024, tại Trụ sở Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), đoàn công tác Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn do Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí cùng cán bộ, phóng viên đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Hepza về công tác phối hợp tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tp. Hồ Chí Minh công bố đề án xây dựng đô thị thông minh