TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng đô thị thông minh

Khánh Trình/Nhân Dân|14/09/2018 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở nhiều lĩnh vực và xem đây là một trong những tiền đề quan trọng để hướng đến xây dựng đô thị thông minh (smart city), đô thị hiện đại, lấy người dân làm “trung tâm của sự phục vụ”.

Siêu bão Mangkhut mạnh tương đương siêu bão Haiyan, ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ

Việt Nam: Đề xuất xây trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa

Với tốc độ đô thị hóa nhanh đang kéo theo những áp lực lớn về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường…, việc ứng dụng CNTT được xem là một trong những lời giải cho những vấn đề nêu trên trong quá trình đô thị hóa ở TP Hồ Chí Minh. Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP Hồ Chí Minh đang triển khai nghiên cứu ứng dụng Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng TP Hồ Chí Minh. Quá trình mô phỏng và tính toán dựa trên dữ liệu phát thải từ các nguồn giao thông và công nghiệp, đây là hai nguồn chính phát thải nhiều nhất vào không khí trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất từ hình ảnh từ ca-mê-ra giao thông tại một số điểm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, hệ thống dự báo cũng được xây dựng tổng hợp từ các số liệu khảo sát môi trường trong 15 khu công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố, kết hợp các báo cáo giám sát môi trường thuộc quản lý của Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp (HEPZA) và Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố. Giải pháp được giới chuyên gia đánh giá sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

GS, TS Nguyễn Kỳ Phùng, Viện trưởng ICST, Phó Giám đốc Sở KHCN thành phố khẳng định: “Hệ thống dự báo không khí đã xây dựng được quy trình dự báo chất lượng không khí phù hợp với khu vực thành phố. Việc ứng dụng dữ liệu ca-mê-ra trong hệ thống giám sát ca-mê-ra giao thông của thành phố là phương pháp mới phù hợp mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân lực và thời gian. Ngoài ra, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vực lân cận và xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm toàn vùng”.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hiện nay, thị trường CNTT được phân định ba khâu rất rõ: ứng dụng cho quản lý nhà nước, cho doanh nghiệp (DN), cho cộng đồng người dùng đầu cuối. Trong đó, cộng đồng DN và người dùng đầu cuối là thị trường quyết định. Vì vậy, để hỗ trợ cho sự phát triển của CNTT lẫn sự ứng dụng CNTT, nhất là cho đô thị thông minh, chúng tôi cho rằng về phương diện nhà nước cần tạo ra được những môi trường, luật định kích thích được câu chuyện ứng dụng CNTT, còn lại thị trường sẽ tự điều tiết, quyết định”.

Nói về các giải pháp CNTT trong việc ứng dụng thực tế – hướng đến thị trường, TS Ðoàn Xuân Huy Minh, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp ICST, cho rằng: “Từ hoạt động trong những năm qua, ICST nhận thấy nếu không có sự hỗ trợ của các DN thì rõ ràng hoạt động nghiên cứu chỉ xoay quanh vấn đề nghiên cứu lý thuyết. Ðể ra được thị trường, chúng tôi bắt buộc phải bắt tay với DN nhằm xác định lại mục tiêu cũng như nhu cầu của thị trường, rồi từ đó đưa ra những nghiên cứu phù hợp hơn với ứng dụng thực tiễn”. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ KHCN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định về thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, và kết quả là trong thời gian vừa qua tình hình nghiên cứu khoa học, định hướng hoạt động nghiên cứu ứng dụng đã có nhiều khởi sắc rõ rệt.

“Riêng với hoạt động nghiên cứu giải pháp cho đô thị thông minh, ICST cũng xác định được mục tiêu nghiên cứu của viện và đã tham gia nhiều chương trình ứng dụng thực tế ở thành phố, thí dụ như chương trình chống ngập. Ðồng thời, ICST tổ chức nhiều chương trình xúc tiến giới thiệu cho các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp nhận ra việc ứng dụng CNTT cho đô thị thông minh là thị trường rất lớn. Hoạt động này của Sở KHCN thành phố, ICST về đô thị thông minh đã phần nào kích hoạt thị trường để các đơn vị nghiên cứu và DN chủ động giới thiệu giải pháp đến các cơ quan quản lý nhà nước. Riêng về hoạt động của ICST, chúng tôi đã tham mưu Sở KHCN thành phố trình đề án cụ thể để phát triển nhóm nghiên cứu về ứng dụng CNTT cho đô thị thông minh. Nhóm nghiên cứu này có hoạt động gần giống như một trung tâm độc lập, vừa phát triển nghiên cứu vừa tăng cường hoạt động kết nối với DN để đưa các bài toán nghiên cứu khoa học thành ứng dụng cụ thể trong hoạt động của xã hội, cơ quan nhà nước cũng như của người dân”, TS Ðoàn Xuân Huy Minh cho biết.

Sở KHCN đang triển khai các chương trình nghiên cứu CNTT phục vụ đô thị thông minh. Có bốn chương trình nghiên cứu KHCN được triển khai giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025, gồm: Chương trình Nghiên cứu xây dựng nền tảng thử nghiệm mở (Open testbed platform); Nghiên cứu mô hình hệ thống dữ liệu mở cùng các công cụ phân tích mạnh nhằm hỗ trợ các ứng dụng về quản lý cũng như khai thác, sử dụng; Nghiên cứu phát triển các ứng dụng trên nền tảng Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các giải pháp bảo mật, an ninh mạng; Phát triển các ứng dụng điển hình cho đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Khánh Trình/Nhân Dân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng đô thị thông minh