Trang nghiêm Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nguyễn Toàn|12/12/2017 09:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hằng năm, cứ đến những ngày cuối tháng 10 âm lịch, đông đảo nhân dân khắp từ mọi miền đất nước đều hướng về Đồng Tháp để cùng tham dự lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay, lễ giỗ lần thứ 88 của Cụ được tổ chức trang trọng theo quy mô cấp tỉnh.

Múa lân đón đại biểu trước buổi khai mạc phần lễ giỗ

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh ra và lớn lên tại làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Sau khi từ bỏ chốn quan trường, cụ đi rất nhiều nơi ở khu vực miền Nam để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân, trong vai trò đồ nho đi trị bệnh cho dân nghèo.Từ năm 1917, Cụ thường lui tới hoạt động, giúp dân bốc thuốc trị bệnh và tuyên truyền lòng yêu nước, chí căm thù giặc xâm lược cho bà con làng Hòa An, Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Cụ đã chọn mảnh đất Cao Lãnh nằm cạnh sông Tiền hiền hòa lộng gió là nơi an nghỉ cuối đời vào ngày 27/10/1929 âm lịch. Cụ đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cho dân tộc một lãnh tụ cách mạng giải phóng dân tộc kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hóa, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đưa dân tộc từ kiếp nô lệ trở thành người làm chủ một đất nước độc lập, có công khai sinh ra ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp về tham dự lễ giỗ

Lễ giỗ được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền

Lễ giỗ được tổ chức hàng năm, với quy mô cấp tỉnh nhằm thể hiện tấm lòng tôn kính, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của cụ Phó bảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; đồng thời quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp đến với du khách gần xa.

Lễ giỗ lần thứ 88 năm 2017 của cụ Phó bảng năm nay diễn ra trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc làng Hòa An xưa theo nghi lễ cổ truyền, với sự có mặt của gần 600 đại biểu đến từ trung ương, địa phương và hàng ngàn người dân từ khắp nơi về kính cẩn dâng hương, tưởng nhớ đến một nhà nho yêu nước, một thầy thuốc, thầy dạy học luôn giúp đỡ người nghèo.

Phần lễ tổ chức theo nghi thức Nhà nước, bắt đầu lúc 08 giờ  ngày 14 tháng 12 năm 2017, nhằm ngày 27 tháng 10 năm Đinh Dậu. Mở đầu buổi lễ, các đại biểu và nhân dân trong vùng làm lễ dâng hương, dâng hoa, phẩm vật và mặc niệm trước anh linh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Dâng phẩm vật tại lễ giỗ

Trưởng Ban tổ chức Lễ giỗ cụ Phó bảng ôn lại lịch sử, ý nghĩa ngày giỗ Cụ Nguyễn Sinh Sắc với lòng thành kính và tri ân, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” theo đạo lý ngàn đời của dân tộc. Đồng thời, thay mặt cho Lãnh đạo và nhân dân tỉnh đồng Tháp ngu sẽ đoàn kết một lòng và quyết tâm phấn đấu hơn nữa cho quê hương Đồng Tháp, đất nước Việt Nam. Sau đó,  Ban vận động Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc báo cáo kết quả 7 năm vận động Quỹ, trao tặng bảng vàng tượng trưng cho các đơn vị đóng góp vào quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc. Về với lễ giỗ cụ Phó bảng, nhân dân Đồng Tháp – Nghệ An – Chung một hồn Sen – là nới bắt đầu và kết thúc cuộc đời của người cha già dân tộc và nhân dân khắp trên mọi miền tổ quốc sẽ dâng lên lễ giỗ Cụ những món ăn đậm chất quê hương của xứ Nghệ và Đồng Tháp như chả giò hải sản, hạt sen Đồng Tháp; giò luộc với tương Nam Đàn …và đặc sản nổi tiếng của tỉnh mà người dân đến dự.

Kính cẩn thắp hương tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ giỗ

Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi không chỉ người dân Đồng Tháp mà có rất nhiều tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân mọi miền đất nước cũng đến tham quan, du lịch và tham gia vào các hoạt động tại lễ giỗ. Ngoài phần lễ, trong khuôn khổ lễ giỗ còn diễn ra phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi và kéo dài suôt những ngày diễn ra lễ giỗ.

Đối với phần hội sẽ ra các hoạt động tái hiện làng Hòa An xưa: Gồm trang trí các ngôi nhà có hoa quả; xuồng hoa dưới rạch; lồng đèn hoa sen, lồng đèn nón lá, lồng đèn nơm, lờ lợp. Không gian văn hóa chợ quê và bán ẩm thực các món ăn truyền thống như: bánh xèo, bánh khọt, bánh ít, xôi gà…cũng được tái hiện và đặc biệt hình ảnh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống, hoạt động và bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân tại làng Hòa An xưa được tái hiện sinh động trong lễ giỗ.

Ngoài ra, còn tái hiện hình ảnh ông Đồ xưa: trưng bày 100 tác phẩm thư pháp ca ngợi tinh thần yêu nước cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác Hồ, những lời chúc tốt đẹp…, viết thư pháp phục vụ khách tham quan.

Trong khuôn khổ lễ giỗ, đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật, Ban tổ chức lễ giỗ trang trí khánh tiết, khẩu hiệu, cờ hội tạo thêm sắc thái trang trọng cho ngày hội. Tại lễ giỗ diễn ra chương trình Nghệ thuật tổng hợp và biểu diễn trích đoạn cải lương về cuộc đời sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc, về Bác Hồ và quê hương Đồng Tháp; biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Lộng lẫy cờ hoa trong những ngày diễn ra lễ giỗ Cụ

Ngoài ra, còn diễn ra các chương trình Liên hoan Đờn ca tài tử; hát dân ca và hò Đồng Tháp; chiếu phim tư liệu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về Bác Hồ, quảng bá về hình ảnh Đồng Tháp, du lịch Đồng Tháp, hoạt động của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc; tái hiện cuộc thi Trạng Nguyên.

Các hội thi, triển lãm sẽ mang đến nhiều thú vị cho du khách  như Hội thi Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; vẽ tranh và xếp tranh khổ lớn về chủ đề “Sinh viên Đồng Tháp với việc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước”; thiếu nhi vẽ tranh theo sách, đọc sách, kể chuyện về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về Bác Hồ, quê hương Đồng Tháp.

Song song đó là triển lãm xếp sách nghệ thuật, mô hình “Thư viện lưu động phục vụ thanh thiếu nhi”,  sinh vật cảnh, trưng bày, sản phẩm trái cây đặc sản Đồng Tháp; Triển lãm hình ảnh, hiện vật về các chủ đề: “Lịch sử hình thành Đồng Tháp qua tài liệu lưu trữ trước năm 1975”, “ Đất nước, con người Đồng Tháp, “ Tư liệu về cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”, “Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc 40 năm hình thành và phát triển”,  “Một số hình ảnh về công trình tưởng nhớ công lao cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”. Trưng bày “Hồn sen thư quán”: giới thiệu sách về Đồng Tháp và Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ấn phẩm “Đồng Tháp xưa và nay – Kỷ niệm 100 năm ngày cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về Đồng Tháp; sưu tập “Đá chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa”…

Các hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi như: tổ chức trò chơi dân gian, thi đấu: Cờ tướng, Thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông. Các sinh hoạt lửa trại; tổ chức các gian hàng với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp”. Các Hoạt động dịch vụ và văn hóa ẩm thực, triển lãm quảng bá hình ảnh, tour, tuyến du lịch và quảng bá các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Tỉnh…

Mảnh đất Hòa An Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được vinh dự là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn là nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Nơi Cụ đã gieo mầm cách mạng đã trở thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày nay, với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp, khu mộ Cụ sừng sững, trường tồn như đài sen trắng vươn lên trên đất Sen Hồng được xây dựng trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang đã trở thành điểm du lịch ấn tượng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm đã đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, đã quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, phát triển loại hình du lịch hành hương lịch sử. Ngày giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng là dịp để mỗi người dân Việt thể hiện đạo lý tri ân, nhớ đến công lao như trời bể của Cụ và tự nhắn nhủ với lòng minh dù đi ngược về xuôi, hãy về Đồng Tháp vào ngày 17/10 Âm lịch để thắp một nén nhang cho vị cha già dân tộc.

Nguyễn Toàn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trang nghiêm Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc