Trung Quốc: Báo động tình trạng rác thải bao bì tích tụ từ hoạt động thương mại điện tử

Ngọc Linh (t/h)|12/11/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lượng nguyên liệu bao bì đang trên đà tăng lên 41,3 triệu tấn vào năm 2025 nếu nước Trung Quốc chưa giải quyết rác thải từ hoạt động thương mại điện tử.

Các nhóm hoạt động môi trường cảnh báo lượng rác thải tích tụ từ hoạt động thương mại điện tử và chuyển phát nhanh tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2025, nếu nước này không sớm có biện pháp kiểm soát.

Theo báo cáo của Greenpeace và các tổ chức phi chính phủ khác, lượng nguyên liệu bao bì mà các lĩnh vực sử dụng đã tăng lên 9,4 triệu tấn vào năm ngoái và đang trên đà tăng lên 41,3 triệu tấn vào năm 2025 nếu tốc độ sử dụng hiện nay không thay đổi.

Tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố tiêu chuẩn đóng gói mới, trong đó sẽ hạn chế các doanh nghiệp vận chuyển chỉ được phép sử dụng một số loại nguyên liệu tái chế nhất định.

Rác thải bao bì tại Trung Quốc không được xử lý hiệu quả. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, JD – một nhà bán lẻ trực tuyến khác của Trung Quốc – cũng thông báo sẽ cắt giảm băng dính và giấy được dùng tại các nhà kho, bên cạnh việc sử dụng thêm các nguyên liệu dễ tái chế hơn.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn Thương mại điện tử Alibaba tuyên bố doanh thu bán hàng của hãng ngay trong 9 giờ đầu của sự kiện ngày Độc thân đã đạt 22 tỷ USD, tăng 25% so với cùng thời điểm năm 2018.

Năm ngoái, ước tính có 1,88 tỷ gói hàng được vận chuyển trong giai đoạn từ ngày 11 đến 16/11, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vẫn chưa có số liệu chính thức về lượng rác thải được xả ra từ hoạt động thương mại này, song Greenpeace ước tính con số này phải vượt 250.000 tấn.

Trung Quốc đang nỗ lực biến việc tái chế thành ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận, khi các khu đất để chôn lấp ngày càng hiếm và mối quan ngại về môi trường liên quan đến rác thải nhựa ngày càng tăng. Tuy nhiên, nước này lại chưa giải quyết rác thải từ hoạt động thương mại điện tử, khi mới chỉ tái chế được 5% bao bì nhựa.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc: Báo động tình trạng rác thải bao bì tích tụ từ hoạt động thương mại điện tử