Tuyên Quang: Nước sạch về bản Mông

Mai Mai (T/h)|06/11/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Có công trình nước sạch, các hộ người dân tộc Mông ở xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã không phải nơm nớp lo chuyện mất nước như xưa.

Nước sinh hoạt đảm bảo, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Những năm trước, khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các hộ người Mông thôn Lè, xã Hùng Lợi phải lấy nước giếng đào, hoặc lấy nước tại các khe lạch trên núi cao. Cả thôn có 1 cái giếng duy nhất vì vậy có hôm phải chờ cả tiếng đồng hồ mới lấy được can nước về nhà.

Năm 2013, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã được đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại thôn Lè. Công trình thỏa nỗi “khát” nước cho hơn 100 hộ đồng bào Mông nơi đây.

Chị Sùng Thị Phương, người dân thôn Lè cho biết, trước đây thiếu nước vất vả lắm. Cả nhà có 5 người mỗi ngày chỉ dám dùng 2 thùng nước cả ăn uống và tắm giặt. Nhiều hôm đi làm nương về tối mịt vẫn phải ra cái giếng cạnh bờ suối cách nhà gần 1km gùi nước về sử dụng. Giờ thì vòi nước bắc về tận nhà, tiện lắm, bà con trong thôn rất phấn khởi. Người dân tộc thiểu số vốn ít biểu lộ tình cảm trước khách lạ, nhưng nhìn ánh mắt của chị chúng tôi nhận thấy rõ được niềm vui của người phụ nữ ấy.

Có nước sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng ổn định, các hộ người Mông xã Hùng Lợi yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế

Điểm trường mầm non xã Hùng Lợi có 47 học sinh người Mông. Trước đây không có nước, cô giáo phải vận động mỗi phụ huynh khi đến lớp mang theo 1, 2 lít nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các cháu. Nhưng những nguồn nước ấy được lấy từ giếng đào hoặc các khe, lạch trên núi. Biết sử dụng nguồn nước này là mất vệ sinh, rất dễ bị mắc phải các bệnh về mắt, đường ruột, da… nhưng bà con vẫn phải dùng.

Cô giáo Niêm Thị Vân gắn bó với điểm trường thôn Lè hơn 10 năm nay. Trước kia, nỗi lo nước sạch luôn canh cánh trong lòng cô và những bậc phụ huynh nơi đây mỗi khi đến lớp.

Cô Vân cho biết, từ khi có công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nỗi lo lắng ấy của các cô không còn nữa. Đường ống dẫn nước đã về tới từng hộ gia đình, nguồn nước đã được xử lý qua hệ thống lọc nên cũng đảm bảo an toàn vệ sinh, giúp cô và trò yên tâm về chất lượng khi sử dụng. Mong rằng các công trình được quản lý, vận hành thật tốt, để có nguồn nước ổn định phục vụ bà con lâu dài.

Hiện nay trên địa bàn xã Hùng Lợi có 16 thôn với hơn 1.500 hộ dân. Từ năm 2013 đến nay, xã được đầu tư xây dựng 6 công trình nước sạch, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 70% số hộ dân trên địa bàn.

Ông Đỗ Ngọc Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, khó khăn lớn nhất tại Hùng Lợi là nguồn nước. Nhiều hộ dân, nhất là tại các bản, làng xa xôi trên núi cao rất khó khăn. Có hộ bỏ ra cả chục triệu đồng thuê máy khoan, thuê người đào giếng nhưng không có nước. Một vài giếng khoan có nước nhưng chỉ được 1 thời gian xong bỗng dưng lại mất.

Cuối năm 2018, từ nguồn vốn vay ngân hàng thế giới, xã Hùng Lợi tiếp tục được đầu tư xây dựng mới 2 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho 450 hộ dân tại các thôn Quân, Toạt, Nà Trang, Coóc, Yểng, Đồng Trang. Đến nay, các công trình đã cơ bản được hoàn thiện, dự kiến đầu năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo các công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động hiệu quả, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Hùng Lợi quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; giao cho ban quản lý có đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ trong khai thác các công trình cộng đồng; thường xuyên kiểm tra đường ống nước, đồng hồ của từng gia đình để tránh thất thoát; tuyên truyền người dân bảo vệ công trình và đường ống…

Mai Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Nước sạch về bản Mông