Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

Theo Monre|12/03/2018 23:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ

(Moitruong.net.vn) – Sáng 12/3, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 22 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong chương trình phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

>>>Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các vị ĐBQH đóng góp hết sức toàn diện vào dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

>>>Đa số ý kiến tán thành ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 22, Ủy ban thường vụ Quốc hội

Tham dự phiên thảo luận về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng một số thành viên của Ban soạn thảo Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và Bản đồ, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu điều khiển phiên họp

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, chỉnh lý và tương đối hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng: nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ; thể hiện đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ban soạn thảo cũng rà soát, đối chiếu các quy định của Dự thảo Luật với quy định liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ trong các Luật khác; chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản; bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp sáng 12/3

Cho ý kiến về quy định cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: cần quy định cụ thể việc miễn lệ phí cung cấp dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng cụ thể. Theo Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng sử dụng thông tin không phải để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì vẫn phải nộp phí như tất cả các đối tượng khác…

Góp ý dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần giải thích rõ hơn về Atlas quốc gia vì tại khoản 1 Điều 31 cũng nêu: “Atlas quốc gia là tập hợp các bản đồ, biểu đồ, hình ảnh được thành lập theo nguyên tắc, bố cục thống nhất thể hiện điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của quốc gia; được thành lập, xuất bản theo từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, dự thảo Luật nên thay từ Atlas thành “Tập bản đồ Quốc gia”. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính quy phạm pháp luật, một số điều nên quy định trong Luật mà không cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Về quản lý nhà nước, phân công cụ thể chi tiết nên giao thẳng cho các bộ có liên quan, tránh trùng lặp và làm gọn nhẹ bộ máy theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương VI khoá XII.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ tại phiên họp sáng 12/3

Cho ý kiến về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: đối với dữ liệu nền địa lý quốc gia cần có phần mềm để quản lý thống nhất, phải có định dạng dữ liệu chung để các cơ quan đều có thể sử dụng hiệu quả. Liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh, cần xem lại cơ chế cho phép khai thác sử dụng dữ liệu, vì trong dự thảo luật quy định Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý, nhưng quốc phòng, an ninh là vấn đề rất quan trọng nên cần có cơ chế phối hợp giữa 3 Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An để đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như hiện nay, trong Luật cần có định hướng rõ hơn về khoa học công nghệ để tránh sự lạc hậu.

Góp ý vào điểm c khoản 5 Điều 41 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý xu hướng chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá” và đặc điểm của hoạt động này là có những phần việc do tư nhân, thậm chí đơn vị nước ngoài thực hiện, chỉ có thể “miễn phí” đối với những thông tin, dữ liệu được thu thập, xử lý bằng tiền ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Khắc Định đề nghị quy định là “kinh phí do nhà nước bảo đảm” thì hợp lý hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình tại phiên họp sáng 12/3

Giải trình và làm rõ thêm những nội dung ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan soạn thảo dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan của Bộ Tư pháp và khoảng 10 địa phương, Ban soạn thảo đã nghiên cứu nghiêm túc, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục làm rõ thêm những nhiệm vụ nào được cung cấp miễn phí dữ liệu đo đạc và bản đồ; đồng thời thiết kế “bộ lọc” theo hướng mở, hoạt động nào Nhà nước không cấm thì tư nhân được làm; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đối với công tác quản lý và toàn xã hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay là hết sức xác đáng. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu thể hiện trong dự án Luật để đảm bảo tính bao quát và cụ thể hơn.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: về chính sách miễn giảm phí sử dụng dữ liệu đo đạc và bản đồ cho quốc phòng, an ninh, phòng chống bão lụt sẽ có quy định về nguyên tắc trong Luật Đo đạc và Bản đồ. Còn những nhiệm vụ cụ thể nào về an ninh, quốc phòng được miễn, giảm phí cung cấp dữ liệu phải được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, hoặc giao cho Chính phủ quy định.

Quang cảnh phiên họp sáng 12/3

Về từ ngữ trong dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị nên dùng “Tập bản đồ Quốc gia” thay cho từ Atlas Quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh, về vấn đề quản lý nhà nước: Thường vụ quyết định nguyên tắc, còn trách nhiệm thống nhất quản lý về đo đạc và bản đồ là của Chính phủ. Cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý là Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn các Bộ khác sẽ làm việc theo sự phân công.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng cơ quan soạn thảo phối hợp, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung toàn bộ dự án Luật để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 65 điều thể hiện trong 9 chương. Dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XIV đưa ra xem xét, thảo luận ở 10 tổ và thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 11/2017. Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc nêu trên, dự thảo Luật đã tập trung thể chế hóa các chính sách như:

Thứ nhất, xây dựng, phát triển hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia tiên tiến, đồng bộ, hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; tạo nền tảng cơ bản để tăng cường triển khai ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao dân trí.

Thứ tư, xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đây là nội dung hoàn toàn mới phục vụ cho Chính phủ điện tử, quản lý xã hội thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức triển khai và thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ