Vi rút cúm A(H7N9) biến đổi sang độc lực cao

Thắng Nam|11/05/2017 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Để phòng tránh cúm A(H7N9), cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn…

Ngày 11-5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã ra thông báo về sự biến đổi độc lực và nguy cơ xâm nhập nước ta của vi rút cúm gia cầm A(H7N9).

Được biết, vi rút cúm A(H7N9) hiện đã xuất hiện tại 17 tỉnh của Trung Quốc với 5 đợt dịch. Dịch đạt đỉnh vào tháng 2-2017 với khoảng 50-60 trường hợp mắc mới/tuần. Gần đây, dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc, trong đó, Vân Nam, Quảng Tây – hai tỉnh giáp biên giới nước ta, đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Nguyên nhân của sự gia tăng này có thể do gia cầm đã được vận chuyển từ tỉnh Quảng Đông sang Quảng Tây, sau khi tỉnh Quảng Đông công bố đóng cửa chợ gia cầm. Các chuyên gia khuyến cáo, nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất bởi nhiều khả năng tỉnh Quảng Tây sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm nên gia cầm sẽ được vận chuyển vào Việt Nam nếu không có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.

Tuy chưa có bằng chứng về sự lây truyền dễ dàng từ người sang người nhưng WHO và FAO đưa ra cảnh báo, hiện đã ghi nhận sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) – chuyển từ độc lực thấp sang độc lực cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết đối với 100% số gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 – 1.000 lần so với vi rút có độc lực thấp. Sự thay đổi này là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp.

Để chủ động ngăn ngừa sự xâm nhập của vi rút cúm gia cầm A(H7N9), Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn… Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Thắng Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi rút cúm A(H7N9) biến đổi sang độc lực cao