Vì sao 1 thiết bị y tế giá nhập 5,3 triệu, bệnh viện mua 114 triệu?

Khánh Hoà (LĐ)|23/07/2017 00:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Còn nhiều bất cập trong quản lý giá thiết bị, vật tư y tế. (Ảnh minh họa – nguồn: Internet)

(Moitruong.net.vn) – Không có cơ sở dữ liệu giá, “đưa giá bao nhiêu duỵệt bấy nhiêu” và độc quyền phân phối được nhận định là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chênh giá thiết bị, vật tư y tế, thậm chí có thiết bị giá nhập chỉ 5,3 triệu mà giá mua thực là 114 triệu đồng.

Ngày 21.7, Kiểm toán nhà nước lên tiếng làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý giá thiết bị, vật tư hoá chất y tế sau khi Bộ Y tế, một số bệnh viện và địa phương có ý kiến về kết quả kiểm toán.

Liên quan tới công tác quản lý giá, Nguyễn Văn Tân – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết có chênh lệch lớn giữa giá kế hoạch và giá thực tế cho thấy công tác quản lý giá còn bất cập. Bộ Y tế cũng chưa có cơ sở dữ liệu về giá vật tư hoá chất nên giá kế hoạch dựa hoàn toàn vào giá cơ sở bệnh viện đưa lên, “đưa ra bao nhiêu thì biết bấy nhiêu và chỉ có 3-4 nhà cung cấp nên không có cơ sở kiểm chứng”. Bên cạnh đó, phê duyệt giá vật tư hoá chất chung chung không rõ chủng loại, thông số kỹ thuật, dùng làm gì dẫn đến chỗ do phê duyệt giá chung chung và gây ra chênh lệch lớn.

Đại diện KTNN thẳng thắn nhận định việc quản lý giá của Bộ Y tế chưa tốt. Làm rõ hơn về vấn đề này, đại diện Kiểm toán khu vực 12 cho biết khi kiểm toán việc mua sắm trang thiết bị các tỉnh thấy rằng về quy trình thủ tục mua sắm là đúng quy trình nhưng giá trúng thầu của nhiều số thiết bị bất hợp lý so với giá nhập khẩu của chính thiết bị đó. Cụ thể, qua kiểm toán ở Gia Lai, giá trúng thầu so với giá CIF (giá nhập khẩu bán đến Việt Nam của nhà sản xuất) cao hơn 2,53 lần tính chung trong đó có 1 số thiết bị giá mua cao hơn so với giá nhập 4-7 lần, cá biệt mua với giá cao hơn 20 lần, đó là một loại Monitor 14inch với giá mua 114 triệu đồng trong khi giá nhập chỉ có 5,3 triệu đồng.

Đại diện Kiểm toán khu vực 12 cho biết sau khi đưa ra kết quả kiểm toán, 1 số bệnh viện, Sở Y tế có ý kiến rằng trên thực tế họ không thể nào lấy được giá của nhà sản xuất và họ phải lấy thông qua đơn vị nhập khẩu chứ không dựa vào thông tin lấy được của hải quan như KTNN, họ phải lấy giá của nhà sản xuất và dựa vào kết quả thẩm định giá để phê duyệt dự toán và cũng đấu thầu rộng rãi đồng thời dẫn chứng là nhiều cơ sở y tế mua với giá tương tự.

Tuy nhiên đại diện này cho rằng thông tin này không kiểm chứng và nhận định mặt bằng chung giá thiết bị trên thị trường đang có bất hợp lý mà nguyên nhân là do chính sách độc quyền lựa chọn nhà phân phối của nhà sản xuất.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước đã tổng hợp kết quả báo cáo Quốc hội các nội dung về quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 trên nhiều lĩnh vực trong đó có kết quả kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 và nêu ra nhiều sự bất cập, lãng phí tại rất nhiều bệnh viện và Sở Y tế trên toàn quốc.

Nhiều ví dụ giật mình được đưa ra như một hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml: Bệnh viện Chợ Rẫy 1.597.000 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng; Một thùng Diff Timepac, 2x2075ml: Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 42.607.000 đồng, còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy 14.163.950 đồng.

thuoc-tay-y-chua-viem-mui-di-ung

Nhiều người sẽ phải giật mình khi thấy sự chênh lệch quá lớn giữa giá thuốc bán tại các bệnh viện (ảnh minh họa – nguồn: internet)

Về hóa chất của cùng một nhà cung cấp, có loại gấp 5,8 lần (01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 16.718.000 đồng, trong khi ở Bệnh viện Thống nhất mức giá lại là 2.874.375 đồng.

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỉ đồng trong đó số trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỉ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỉ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỉ đồng).

Đáng lưu ý có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Trước thực trạng trên, Kiểm toán nhà nước đã đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2016.

Khánh Hoà (LĐ)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao 1 thiết bị y tế giá nhập 5,3 triệu, bệnh viện mua 114 triệu?