Việt Nam đã đạt được những cột mốc quan trọng trong chính sách khí hậu

Đăng Lâm (t/h)|31/10/2018 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: nongnghiep.vn)

“Việt Nam đã đạt được những cột mốc quan trọng trong chính sách khí hậu. Ở cấp độ chung nhất, các hoạt động về Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đã đưa ra hướng dẫn và khuôn khổ cần thiết cho một bức tranh toàn thể rộng lớn hơn.” Đó là nhận định của Đại sứ quán Đức Jörg Rüger tại Hội thảo tổng kết Dự án Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam (dự án NAMA) diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội.

>>>Hơn 70% người dân ủng hộ bỏ loa phường tại Hà Nội

>>>Áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến giúp nâng cao năng suất chất lượng và bảo vệ môi trường

Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đại sứ Quán Đức tại Việt Nam đồng chủ trì. Chia sẻ về dự án NAMA, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, dự án này tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng, đề xuất NAMA cho 2 ngành cụ thể (giao thông công cộng bền vững và tiết kiệm năng lượng cho ngành dệt may), hỗ trợ tăng cường năng lực đàm phán khí hậu cho Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu khí hậu nhiều kỳ vọng để đóng góp một cách phù hợp cho Thỏa thuận Paris về khí hậu toàn cầu. Đến nay, dự án đã đóng góp rất lớn vào quá trình xây dựng chính sách biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Kết quả nổi bật nhất của dự án là đã hỗ trợ xây dựng các đóng góp của Việt Nam cho những nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu, thể hiện qua NDC và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động triển khai NDC cấp quốc gia.

Đại diện cho phía đối tác, đại sứ Jörg Rüger khẳng định dự án NAMA đã xác định các cơ cấu và hệ thống thể chế phù hợp nhất nhằm thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia (Việt Nam). Trong đó, “NAMA xe buýt các bon thấp” nhằm phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt thân thiện với khí hậu cho các thành phố lớn. “NAMA cho ngành dệt may” tập trung áp dụng các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và pin điện mặt trời trên mái nhà trong ngành công nghiệp dệt may.

Với những đóng góp trên, đại sứ Jörg Rüger nhấn mạnh: “Chính phủ Đức mong muốn tiếp tục hợp tác thành công với Việt Nam, là hai đối tác tham vọng với mục tiêu chung là ứng phó với biến đổi khí hậu như đã thỏa thuận trong Hiệp định Paris.”

Tại hội thảo, các chuyên gia của dự án đã trình bày về các kết quả chính thực hiện dự án NAMA, điều chỉnh hoạt động dự án cho phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu, hỗ trợ xây dựng khung giám sát kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris và những vấn đề cần điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian tới.

Dự án NAMA do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu – Bộ TNMT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp thực hiện. Dự án được triển khai từ 2014 đến 2018 với kinh phí viện trợ không hoàn lại là 4,6 triệu Euro trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu quốc tế do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức tài trợ.

Đăng Lâm (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đã đạt được những cột mốc quan trọng trong chính sách khí hậu