Vịnh Hạ Long: Nhiều dự án lấn biển đe dọa đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên

Thụy Du (BVPL)|19/04/2017 04:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo phản ánh của ông Nguyễn Quốc Hoài – Giám đốc Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh, trong những năm trở lại đây, trước làn sóng đầu tư, thôn tính mạnh mẽ của các tập đoàn lớn, tỉnh Quảng Ninh đã chấp nhận bán rẻ môi trường, đánh đổi di sản, cảng biển… nhằm thỏa mãn cái lợi trước mắt.

(Moitruong.net.vn) – Quảng Ninh có thế mạnh về thu hút đầu tư với nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi. Thế nhưng, hiện nay, tại tỉnh này lại đang có dấu hiệu của sự dễ dãi trong thẩm định, phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư các dự án ven biển để lấy đất phân lô, bán nền.

Trước đây, nhiều dự án xẻ núi, làm đường hay xây nhà chỉ dám triển khai ở vùng đệm di sản. Thì nay, bất chấp sự phản đối kịch liệt của người dân, ấn tượng đầu tiên đến với Hạ Long là đại công trường, ngày, đêm san núi, lấp biển, “xẻ thịt” cảng Cái Lân một cách không thương tiếc.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoài, từ ngày những dòng tiền khổng lồ ào ào đổ về, giới “tinh hoa” Quảng Ninh cũng nhạy bén thay đổi tư duy theo thời cuộc. Bộ máy công quyền mải miết chạy theo xử lý những công việc nhỏ nhặt, vụn vặt, còn “con voi” vô tư chui lọt lỗ kim.

54

Nhiều dự án lấn biển quá mức đe dọa đến môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long

Nếu một loạt dự án ven biển liên tiếp ra đời như tiến độ đề ra, thì tương lai không xa nữa, Cảng Cái Lân cũng sẽ biến thành một cảng biển chết do việc san lấp mặt bằng, lấn biển vô tổ chức đã làm dòng chảy bị bồi lấp, tốc độ dòng chảy cao cuốn theo đất đá gây lắng đọng trầm tích, thu hẹp luồng vào cảng khiến tàu dễ mắc cạn không thể vào cảng. Hệ lụy tất yếu dẫn đến ngân sách nhà nước có nguy cơ thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư mà thu lại chưa đáng kể, cơ sở vật chất cụm cảng bỏ hoang phế, hàng nghìn lao động đối mặt với nguy cơ mất việc, kéo theo hàng loạt các nhà máy than, điện, xi măng sẽ phải ngừng hoạt động vì thiếu nguồn nguyên, nhiên liệu ổn định phục vụ sản xuất.

Từ lợi ích của quốc gia, dân tộc chuyển sang lợi ích của tư nhân, tổ chức là hành động không thể chấp nhận, không thể dung thứ. Ai đã cho phép Quảng Ninh được quy hoạch như thế? Việc cho phép xây dựng ồ ạt khu đô thị phân lô, bán nền tại Cảng Cái Lân là để phục vụ ai, trong khi quảng đại quần chúng nhân dân, du khách quốc tế bị cưỡng đoạt đi quyền được chiêm ngưỡng, thụ hưởng di sản thiên nhiên thế giới? Ai là người chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép xây dựng các công trình và khu đô thị ven bờ vịnh Hạ Long, chấp nhận đánh đổi việc môi trường bị hủy hoại, làm biến dạng, địa chất, thủy văn của cả khu vực để lấy lợi ích phát triển kinh tế trước mắt?

Nếu cứ đà này, rất gần thôi, Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sẽ không còn thứ thực sự đáng giữ và thu hút khách du lịch nước ngoài, trong khi các địa điểm về du lịch tại Quảng Ninh đang bị tàn phá ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Bên cạnh rất nhiều cam kết về bảo tồn thiên nhiên và danh thắng, tránh sự xâm phạm của các công trình xây dựng mà Việt Nam đã tham gia ký kết, có vẻ Quảng Ninh sẵn sàng để mất danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO.

Thụy Du (BVPL)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vịnh Hạ Long: Nhiều dự án lấn biển đe dọa đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên