Vĩnh Phúc thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng

14/01/2018 08:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, việc giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và phát triển đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực ở nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, ngoài bảo vệ môi trường sống cho con người, phòng chống thiên tai, lũ lụt…, rừng còn gắn liền với lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lập Thạch (Vĩnh Phúc) kiểm tra chất lượng giống tại cơ sở sản xuất trên địa bàn

Huyện Lập Thạch là địa phương có độ che phủ rừng tương đối cao (26,4% ) với tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện trên 4.000 ha; trong đó, diện tích rừng phòng hộ hơn 430 ha, diện tích rừng sản xuất gần 3,6 nghìn ha.

Xác định việc giao, khoán rừng cho từng hộ dân địa phương quản lý là phương án chiến lược trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm Lập Thạch bàn giao hơn 4.000 ha rừng cho các đơn vị, hộ dân trên địa bàn huyện Lập Thạch quản lý; trong đó, giao cho các đơn vị kinh doanh 724 ha, giao cho hộ dân gần 3,3 nghìn ha.

Thời gian đầu, khi mới được giao rừng, do người dân chưa có kinh nghiệm trồng rừng sản xuất, cùng với khó khăn về vốn để mua giống cây, phân bón, nên việc phát triển rừng đạt hiệu quả chưa cao. Ở một số nơi, nhiều hộ dân được giao rừng còn chưa mặn mà phát triển kinh tế đồi rừng.

Đến năm 2010, theo Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi hộ dân trồng rừng được hỗ trợ 3 triệu đồng/1ha đối với rừng sản xuất, 15 triệu đồng/1ha đối với rừng phòng hộ, người dân mới được tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư giống cây, phân bón,…

Phần lớn các chủ rừng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp hướng tới các loại cây cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế như: Keo, bạch đàn… Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm Lập Thạch, từ năm 2011 đến nay, hằng năm, diện tích rừng do người dân trồng mới đạt khoảng 200 ha.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lập Thạch cho biết: “Gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng cho người dân là chiến lược hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trong nhiều năm trở lại đây. Để người dân trồng rừng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế thì yếu tố tiên quyết là nguồn cây giống phải đảm bảo chất lượng.

Hạt Kiểm lâm phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra các cơ sở vườn ươm cây giống trên địa bàn huyện, giống cây đạt chất lượng yêu cầu sẽ cho tiến hành trồng thí điểm, sau 3 năm, nếu thấy hiệu quả cao sẽ nhân rộng, khuyến khích người dân trồng giống cây này. Nhiều giống cây được cấy ghép cho năng suất vượt trội từ 40 – 50 m3 gỗ/1ha như: Bạch đàn mô U6, bạch đàn mô UP99, Keo tai tượng…; gỗ bạch đàn cho giá trị thu hoạch khoảng 1,5 triệu đồng/1m3, gỗ keo cho giá trị thu hoạch khoảng 3,2 triệu đồng/1m3….

Trung bình, mỗi hộ dân thu lãi khoảng 360 triệu đồng /5 năm thu hoạch; một số hộ dân còn tận dụng trồng thêm các loại cây dược liệu dưới tán cây rừng như: Đinh lăng, ba kích, sắn…để tăng thêm thu nhập. Việc giao, khoán rừng cho người dân quản lý không chỉ giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho một bộ phận người dân, mà cơ quan kiểm lâm cũng làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng”.

Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, phá rừng trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện Lập Thạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được quy định pháp luật về khai thác lâm sản, nâng cao ý thức trong việc PCCCR, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đồng hành cùng chính quyền trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Theo báo Vĩnh Phúc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng