Xây dựng mô hình “Trường học an toàn” nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Bích Thuần (t/h)|22/10/2018 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học trên từng địa phương thực hiện công tác phòng chống rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và các nhà trường nhằm giảm thiểu các thiệt hại về cơ sở vật chất trường học. 

>>>Nỗ lực tìm kiếm các ngư dân bị rơi xuống biển mất tích trên vùng biển Hoàng Sa

>>>Ba Vì, Hà Nội: 330 người tham gia diễn tập chữa cháy rừng

Sơ đồ các bước xây dựng trường học an toàn

Trường học an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu là môi trường giáo dục có đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, các cán bộ nhân viên trong trường (những người đang làm việc trong trường) và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong mọi điều kiện của thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai. Trong đó, phổ biến và nghiêm trọng nhất là bão, lũ, lụt, sạt lở đất, giông và sét,… Thiên tai đã tàn phá rất nhiều công trình, gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của cộng đồng và xã hội. Trong đó, các cơ sở giáo dục như trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên,… phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.

Trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra. Theo thống kê, hàng trăm triệu trẻ em phải đối mặt thường xuyên với lũ lụt, sạt lở đất, gió lốc và rủi ro do cháy nổ; tử vong ở trẻ em thường chiếm tới 30-50% số người chết do thiên tai; và trong thập kỷ tới, dự báo có khoảng 175 triệu trẻ em có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên tai mỗi năm.

Các trường học, đặc biệt là những trường ở khu vực nông thôn thường được sử dụng như là trung tâm của cộng đồng với nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức tại đây. Ngoài ra, các trường học thường là nơi trú ẩn an toàn cho cộng đồng trong suốt thời gian xảy ra thiên tai. Nếu trường học bị hư hại hoặc tàn phá thì các hoạt động sơ tán và cứu trợ sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nếu các trường học bị hư hại thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy và học tập của trường.

Mặt khác, do trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong thiên tai và cần được hỗ trợ về mặt tâm lý – xã hội, việc các trường học có thể khôi phục hoạt động giảng dạy và học tập một cách nhanh chóng sau thiên tai là một nhu cầu quan trọng để hỗ trợ cho trẻ em và giúp các em nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, trường lớp. Do đó, việc xây dựng một mô hình THAT toàn diện để giúp học sinh, giáo viên và các cán bộ trong trường học giảm được tối đa các rủi ro thiên tai là điều rất cần thiết. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020.

Nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của hệ thống giáo dục, hàng năm Bộ GD&ĐT và các tổ chức phi chính phủ: Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plant, Child Fund… hỗ trợ, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách phòng chống thiên tai cho tất cả các cơ sở giáo dục. Nhiều địa phương đã thực hành tốt mô hình Trường học an toàn, đồng thời biết cách áp dụng mô hình này trong phòng chống thiên tai.

Xây dựng THAT không phải là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, cần có sự tham gia chủ động của giáo viên, học sinh, phụ huynh và các cơ quan chức năng. Dưới đây là các tổ chức và cá nhân cần tham gia vào xây dựng THAT:

Trường học: Hiệu trưởng, các thành viên ban giám hiệu trường học, các giáo viên, các cán bộ, công nhân viên khác trong trường học, học sinh.

Cộng đồng địa phương: Phụ huynh học sinh, Hội Chữ thập đỏ

Chính quyền địa phương: Cán bộ chính quyền địa phương, trạm y tế, cơ quan Phòng cháy – chữa cháy (tại thành phố), cơ quan PC&GNTT huyện và xã Các cấp quản lý giáo dục từ cơ sở đến trung ương: Phòng GD&ĐT huyện, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT.

Các cơ quan khác: Các tổ chức trong nước và quốc tế,..

Ngoài ra, trường học nên tổ chức diễn tập thường xuyên để giáo viên, học sinh và những bên liên quan làm quen với việc ứng phó với tình huống khẩn cấp. Ngoài việc giúp cho học sinh và giáo viên biết cách ứng phó với thiên tai khi thiên tai xảy ra trong thực tế, diễn tập còn giúp trường học phát hiện ra những thiếu sót trong công tác chuẩn bị, ứng phó với thiên tai và đề ra những biện pháp để khắc phục những thiếu sót đó. Do cách bố trí lớp học, số lượng học sinh, nguồn lực và ảnh hưởng của thiên tai mỗi trường khác nhau, mỗi trường học cần có kế hoạch, kịch bản ứng phó với từng loại thiên tai thường xuyên xảy ra của riêng trường mình. Kế hoạch, kịch bản cần lập dựa trên tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Bích Thuần (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình “Trường học an toàn” nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai