Xây dựng quy chuẩn kiểm soát nước thải chế biến thủy sản

Theo Monre|25/10/2017 07:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Quy chuẩn Việt Nam về nước thải chế biến thủy sản.

Xây dựng quy chuẩn Việt Nam về kiểm soát nước thải chế biến thủy sản – Ảnh minh họa 

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã gửi Công văn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý Dự thảo này.

Theo dự thảo QCVN về nước thải chế biến thủy sản, giá trị tối đa cho phép của chỉ tiêu phốt pho là 4 mg/lít (cơ sở mới) và 10 mg/lít (cơ sở đang hoạt động) đối với nước thải loại A và 20 mg/lít đối với nước thải loại B để thay thế cho quy định hiện hành là 10 mg/lít (nước thải loại A) và 20 mg/lít (nước thải loại B).

Tuy nhiên, tại công văn gửi Bộ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, hiện hầu hết các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đều có sử dụng phụ gia Phosphat trong quá trình sản xuất, nên lượng Phospho trong nước thải tăng lên, nên sau khi xử lý thường vượt cao hơn so với yêu cầu 20 – 30 mg/l. Ngay cả với mức quy định hiện nay, nhiều thời điểm hoặc tùy mặt hàng, các DN cũng không thể đạt được mức quy định hiện hành.

Ông Ngô Văn Ích – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nêu quan điểm, nếu Dự thảo hạ mức quy định xuống thấp hơn (đối với cơ sở mới xây dựng) và giữ nguyên mức (đối với cơ sở đang hoạt động) thì các DN khó có thể đạt được. Hiện nay, Việt Nam chưa có các công nghệ có tính khả thi và hiệu quả để xử lý chỉ tiêu Phospho trong nước thải của các sản phẩm đòi hỏi sử dụng nhiều Phosphat (ví dụ như sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ). Bên cạnh đó, hiện nay các nước lân cận như Indonesia, Malaysia, Thái Lan không có quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp. Nếu Việt Nam thực hiện sẽ gây khó khăn cho DN, giảm khả năng cạnh tranh.

Cùng quan điểm, theo PGS-TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội), Nhật Bản có quy định về kiểm soát phốt pho (16 mg/lít) và không thay đổi trong 20 năm qua, trong khi Việt Nam thay đổi liên tục nhưng lại không dựa trên một nghiên cứu khoa học, gây khó cho DN trong việc thực thi.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia môi trường lại cho rằng, quy định về kiểm soát Phospho đã có từ năm 2008, chứ không phải mới đây. Vấn đề là trước đây nước thải trong ngành thủy sản ít vi phạm quy định này.

Ông Phạm Đình Đôn, Phó Cục trưởng Cục Môi trường phía Nam (Tổng cục Môi trường) nhận xét, ngành thủy sản đã có nhiều thay đổi trong những năm qua. Đáng chú ý là hoạt động sản xuất đang chuyển từ sơ chế sang chế biến sâu, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng dẫn đến nhiều mối nguy mới về môi trường.

Trước đây, Phospho trong nước thải chủ yếu là nguồn hữu cơ này có cả Phospho vô cơ do phụ gia được sử dụng trong quá trình bảo quản, sơ chế, chế biến nên cần kiểm soát vì môi trường và sức khỏe người dân.

PGS-TS Phạm Hồng Nhật, Viện Nhiệt đới môi trường, thuật lại trường hợp một giáo sư nước ngoài đến gặp ông đề cập chuyện phối hợp nghiên cứu đề tài thu hồi phốt pho trong nước thải vì thế giới đang cạn nguồn nguyên liệu này. Từ ví dụ này, PGS-TS Phạm Hồng Nhật cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu xem Phospho có phải là nguồn ô nhiễm hay là nguyên liệu cho các ngành khác như vật tư nông nghiệp.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quy chuẩn kiểm soát nước thải chế biến thủy sản