Xử lý cơ sở y tế ô nhiễm nghiêm trọng: Thiếu quyết liệt… khó hoàn thành

09/08/2016 07:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Xử lý các cơ sở thuộc khu vực công ích thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động không khả thi khi áp dụng đối với các cơ sở này, trong đó, có các cơ sở y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Việc xử lý các cơ sở y tế ô nhiễm gặp nhiều khó khăn
Việc xử lý các cơ sở y tế ô nhiễm gặp nhiều khó khăn

Thiếu quyết liệt

Trong khi các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm có nhiều chuyển biến, việc xử lý các cơ sở ô nhiễm tại các bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quyết liệt thực hiện, chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch tới các cơ sở, nhiều cơ quan thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để không nắm rõ trách nhiệm và các nội dung cần triển khai thực hiện xử lý triệt để đối với cơ sở. Điều này, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Theo Quyết định số 1788, có 172 cơ sở y tế (CSYT) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), trong đó, 10 CSYT còn tồn đọng từ Quyết định số 64. Trong số 172 cơ sở gây ÔNMTNT có 1 Bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (chiếm 1%), 62 bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 36%) và 109 bệnh viện tuyến huyện (chiếm 63%). Trong số 10 cơ sở tồn đọng từ Quyết định số 64, chỉ 2 cở sở là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT theo quy định, còn 8 đơn vị đang lập dự án và tìm nguồn vốn đầu tư.

Theo thống kê đến nay, đã có 38/172 bệnh viện (chiếm 22%) đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT theo quy định; 57/172 (chiếm 33%) cơ sở đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hiện, đang làm thủ tục ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT; 23/172 cơ sở (chiếm 14%) đã được phê duyệt các hạng mục đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải ý tế (CTYT); 40/172 cơ sở (chiếm 23%) đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT; 14/172 (chiếm 8%) chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định.

Trong số các địa phương hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, có tỉnh Phú Thọ (7 đơn vị) và tỉnh Thanh Hóa (5 đơn vị) có CSYT đã ra khỏi danh sách ÔNMTNT, đạt 100% yêu cầu theo quy định. Trong khi đó, một số địa phương chưa có cơ sở nào ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT như:  Sơn La có 14 cơ sở (2 cơ sở từ Quyết định số 64), Tây Ninh 9 cơ sở; An Giang 9 cơ sở, Đắk  Nông 7 cơ sở, Cao Bằng 6 cơ sở; Bình Thuận 4 cơ sở; Hà Giang 8 cơ sở…

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Luật Bảo vệ môi trường 2014 có hiệu lực tạo hành lang pháp lý quan trọng quản lý chất thải y tế. Theo Điều 159 của Luật, Bộ TN&MT có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về BVMT theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước. Cơ quan công an, cơ quan thanh tra chuyên ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra TN&MT trong việc thực hiện quyền thanh tra và phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT. Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ, ngành liên quan thực hiện thanh tra trong công tác BVMT ngành y tế.

Đáng chú ý, tại Điều 72 của Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhấn mạnh, người đứng đầu của bệnh viện có trách nhiệm xử lý chất thải y tế đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, giám đốc bệnh viện, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã có Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; lãnh đạo y tế các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý chất thải bảo vệ môi trường. Đối với các Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc lãnh đạo Bộ, ngành, cần ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để thực hiện đúng tiến độ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Theo Phương Anh/TN&MT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý cơ sở y tế ô nhiễm nghiêm trọng: Thiếu quyết liệt… khó hoàn thành