Xử trí bệnh mùa nóng thường gặp ở người cao tuổi

Linh Lan|22/06/2018 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Mùa hè, thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi (NCT) ngày một giảm và dễ chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Dưới đây là bệnh người cao tuổi dễ mắc trong những ngày hè nóng nực.

Bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh người già thường mắc phải nhất vào mùa hè. Mùa hè nóng nực, NCT bị ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải. Trong khi đó, NCT lại hay mất cảm giác khát nên không chủ động uống đủ nước cần thiết. Quá trình này nếu không được khắc phục, để kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày có thể gây ảnh hưởng lớn đến huyết áp và nhịp tim của cơ thể NCT như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt (đặc biệt là ở người có tiền sử huyết áp thấp). Khi trời nóng, giải pháp tốt nhất là NCT nên ở trong phòng máy lạnh và không đi ra ngoài nhiều. Tuy nhiên cần lưu ý, NCT nếu có bệnh tăng huyết áp mà bị lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, trong điều hòa có nhiệt độ thấp quá) rất có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh rất đáng ngại với NCT trong những ngày nóng. NCT thường chỉ trải qua giấc ngủ thực sự khoảng 4 tiếng mỗi ngày, chính điều này đã là sự biểu hiện của việc không được ngủ đủ giấc. Có thể lúc đi ngủ thì thường trằn trọc mãi không ngủ được hoặc là ngủ rất dễ nhưng lại tỉnh sớm và nằm trằn trọc cả đêm. Ở NCT có tình trạng rối loạn giấc ngủ, làm cơ thể không được hồi phục sức khỏe đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng tới thần kinh. Do sức khỏe kém nên NCT thường ít vận động thể chất khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, ốm yếu, kém phần dẻo dai cũng khiến NCT khó đi vào giấc ngủ hơn.

Đột quỵ

Đột quỵ ở NCT xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglycerid), đái tháo đường… Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng bao gồm: mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi mặc dù thời tiết rất nắng nóng. Do đó, NCT nên hạn chế đi lại hay làm việc trong những ngày nắng nóng vào những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng, dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ khoảng 26 – 28⁰C. Đặc biệt, nên hạn chế đi ra nơi nóng rồi vào lạnh. Thống kê cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở NCT thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng lúc mà thân nhiệt có nhiều thay đổi. Nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng.

Linh Lan


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử trí bệnh mùa nóng thường gặp ở người cao tuổi