Xuất khẩu gạo giảm, cả nước còn 1 triệu tấn gạo tồn kho

29/05/2017 01:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Để giảm áp lực trong khâu tiêu thụ gạo ngoài việc chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường chúng ta còn cần nâng chất lượng gạo để thúc đẩy xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo giảm, cả nước hiện còn 1 triệu tấn gạo tồn kho, trong khi “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa thu hoạch gây ra áp lực lớn trong khâu tiêu thụ gạo. Việc chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường, ban hành bộ tiêu chí cho gạo xuất khẩu, tổ chức lại sản xuất, đưa khoa học, công nghệ mới vào các khâu sản xuất và chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo hiệu quả.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo cả nước giảm 7,7% về khối lượng và 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu đã cơ bản thu mua đủ lượng gạo theo hợp đồng đã ký bởi sức mua của các thị trường quen thuộc như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia và một số nước Châu Phi đều giảm. Gạo Việt Nam hiện rất khó xâm nhập vào các thị trường lớn do hạn chế về chất lượng và chưa có thương hiệu

Trong khi đó, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp đã vượt 1 triệu tấn, cùng với đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa bước vào thu hoạch lúa đông xuân sẽ kéo theo lượng gạo trên thị trường tăng cao tạo áp lực lớn với công tác tiêu thụ.

Thêm vào đó, nhiều “bạn hàng” của Việt Nam có xu hướng tự cung, tự cấp lương thực. Đó là chưa kể hiện xuất hiện thêm một số nước xuất khẩu gạo tiềm năng như: Campuchia, Ấn Độ, Myanmar… cũng tạo áp lực cạnh tranh.

Không chỉ gặp khó khăn về mặt thị trường, xuất khẩu gạo Việt Nam còn gặp rào cản chính sách như quy định: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có ít nhất kho chuyên dụng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tiếp mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Nghị định còn quy định các doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với VFA trong vòng 3 ngày làm việc đầu tiên; phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng với VFA… Các quy định này khiến nhiều doanh nghiệp “nản”.

Trước mắt, để giải quyết 1 triệu tấn gạo tồn kho và sản lượng thu hoạch vụ đông xuân 2017, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: Nhà nước nên giúp doanh nghiệp tiếp cận ngay với thị trường Châu Phi vì thị trường này không yêu cầu quá cao về chất lượng thay vì hy vọng tiêu thụ ở thị trường “khó tính”. “Đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để đáp ứng những yêu cầu khắt khe các nước nhập khẩu” – ông Vinh nhấn mạnh.

Trung Quân (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo giảm, cả nước còn 1 triệu tấn gạo tồn kho