3 biện pháp nhằm giảm triệt để F0 tử vong

Ngọc Anh|15/12/2021 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Bộ Y tế, bên cạnh việc giảm ca mắc mới, nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Một tuần trở lại đây, số trường hợp bệnh nhân tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao, trung bình mỗi ngày có đến 200 trường hợp tử vong.

Nhiều địa phương ở khu vực phía Nam ghi nhận ca mắc tử vong cao như An Giang, TP.HCM, Cần Thơ, hầu hết trường hợp tử vong đều có bệnh nền và chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tăng cường tiêm chủng cho đối tượng trên 65 tuổi

Theo Bộ Y tế, bên cạnh việc giảm ca mắc mới, nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Để thực hiện được mục tiêu này, kế hoạch giám sát chặt chẽ và tiêm vaccine bổ sung cho đối tượng trên 65 tuổi phải được chú trọng. Các tỉnh cần lên kế hoạch tiêm vaccine mũi bổ sung và mũi tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế để được phân bổ vaccine.

Các tỉnh, TP phải thực hiện chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” lập danh sách tất cả người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm vaccine để tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số tỉnh phía Nam, vừa qua Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các bệnh viện (BV) tuyến trung ương như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV E… trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại TP.HCM và 10 tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng yêu cầu các BV tuyến trung ương nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống dịch. Các BV tuyến trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.

Chỉ đạo hệ thống y tế và chính quyền cơ sở bố trí nhân lực, phương tiện để ghi nhận, tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ và quản lý người nhiễm COVID-19; không để xảy ra tình trạng người nhiễm có yêu cầu nhưng không nhận được hỗ trợ.

Rà soát, triển khai và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine, bảo đảm tiêm hết cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng nhưng chưa tiêm, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền…, chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 12-2021.

Cấp phát ngay thuốc kháng virus nhanh nhất, sớm nhất cho người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và cộng đồng, kịp thời đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế.

Chuyển tuyến kịp thời

Để giảm F0 tử vong, công tác điều trị cần chú ý phân loại bệnh nhân, tuân thủ điều trị theo tháp ba tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, có khoảng giữa tầng 1 là 1+, tầng 2 là 2+ và tầng để quản lý, giám sát chặt chẽ ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo “y tế phải gần dân nhất”. Mỗi xã, phường có thể có nhiều trạm y tế, tổ y tế lưu động để quản lý chặt chẽ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao nhằm sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời.

“Các địa phương phải ngay lập tức rà soát việc cung cấp ôxy cho các cơ sở điều trị COVID-19, phải có hệ thống ôxy bồn, máy thở phục vụ điều trị hồi sức cho bệnh nhân khi cần. Về máy thở, Bộ Y tế và các BV trung ương có thể hỗ trợ các tỉnh nhưng chuẩn bị ôxy y tế thì Bộ Y tế không thể làm thay địa phương” – Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.

Về thuốc điều trị, Bộ Y tế cho biết trong vài ngày tới, khi làm xong các thủ tục tiếp nhận thuốc viện trợ, Bộ Y tế sẽ cấp phát, phân bổ ngay cho địa phương.

Ngọc Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 biện pháp nhằm giảm triệt để F0 tử vong