5 thành phố nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế xe máy, giảm ô nhiễm môi trường

Vân Khánh|08/04/2022 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng.

Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.

Nghị quyết nêu rõ, để tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%. Hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020;

Cơ quan chuyên môn các thành phố tham mưu HĐND ban hành nghị quyết ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; phấn đấu năm 2030 đạt 30-35% khối lượng vận tải hành khách.

Các phương tiện tham gia giao thông xả khí thải vượt tiêu chuẩn cũng là nguyên nhân khiến bầu không khí càng trở nên ô nhiễm

5 thành phố trực thuộc Trung ương được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng xe cơ giới vào địa bàn.

Áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, các thành phố tập trung nguồn lực xử lý điểm thường xuyên ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông, có kết nối với trục đường chính trong đô thị.

Chính phủ giao Bộ Công an triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính (theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 19.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Tiếp tục xây dựng, triển khai giai đoạn 2 cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết nối, chia sẻ dữ liệu của Cảnh sát giao thông với các đơn vị trong và ngoài ngành công an để phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn về hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông để thống nhất áp dụng và thực hiện trong toàn quốc.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập mới các Trung tâm cấp cứu 115 và nâng cao năng lực các cơ sở y tế hiện có, đảm bảo khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định, đáp ứng trực cấp cứu 24/24h tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế, đảm bảo bán kính phục vụ 50km.

Xe máy được cho là “tác nhân” lớn nhất gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường, Ảnh: Khả Hòa

Ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông

Một trong các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí chính là nguồn khí thải tử các phương tiện giao thông bao gồm xe máy, ô tô, xe bus… Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm tại thành phố còn lên mức đáng báo động trong những khung giờ cao điểm do mật độ các phương tiện tăng cao.

Theo các chuyên gia về môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM và Hà Nội do các phương tiện giao thông gây ra còn nhiều hơn cả ô nhiễm từ các KCN. Chỉ tính riêng tại TPHCM, hiện nay với số lượng khoảng 7,3 triệu xe gắn mà và hơn 600.000 xe ô tô, mỗi ngày chỉ cần tiêu thụ hết 0,5 lít xăng (đối với xe gắn máy) và 1 lít xăng – dầu (đối với xe ô tô), thì một ngày trên địa bàn thành phố tiêu tốn khoảng hơn 4 triệu lít nhiên liệu. Vấn đề không chỉ nằm ở góc độ tiêu tốn về mặt kinh tế, mà điều đáng quan tâm là lượng khí thải từ hàng triệu phương tiện mỗi ngày xả trực tiếp ra môi trường có những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe non người. Bên cạnh đó, hoạt động của phương tiện giao thông cũng tạo ra những bụi bay lơ lửng trong không khí khá cao.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương, Gò Vấp, Cát Lái có giá trị cao nhất trong 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí. Hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng quan trắc được trong quý 3 năm 2016 tại 20 vị trí dao động từ 87,70– 715,93 μg/m3, 43,75% giá trị quan trắc không đạt QCVN 05:2013/BTNMT (nồng độ bụi lơ lửng trung bình 1 giờ khoảng 300 μg/m3)

Trước tình hình ô nhiễm khói bụi tới mức báo động từ phương tiện giao thông, Tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng, không chỉ kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, gắn máy, mà cũng cần siết chặt kiểm soát đối với xe ô tô. Đối với xe ô tô hiện nay việc kiểm soát khí thải đã được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm phương tiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng như các bộ ngành liên quan cũng cần xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải xe ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới để về lâu dài không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Bắc Kinh – Trung Quốc.

“Trước mắt, các thành phố nên tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với các xe ô tô cũ, xe buýt đang tham gia giao thông nhưng vẫn xả khói đen kịt trên đường phố” – tiến sĩ Phạm Sanh đề xuất. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài kiểm soát khí thải bắt buộc đối với xe mô tô, gắn máy, thì các địa phương cũng phải đẩy nhanh các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, điều tiết giao thông thông thoáng, để không còn cảnh kẹt xe, giảm thời gian xe kẹt cứng trên đường. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khi đến các giao lộ chờ đèn đỏ, gặp kẹt xe thì nên tắt máy phương tiện, từ đó vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khi thải của phương tiện giao thông.

Theo WHO, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 thành phố nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế xe máy, giảm ô nhiễm môi trường