6 bãi sông Hồng được quy hoạch thành khu đô thị mới hiện đại

Tuấn Kiệt|19/03/2021 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TP Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng, trong đó dự kiến 6 khu vực cho phép xây dựng tỷ lệ từ 5% đến 15%; còn lại định hướng phát triển không gian mở.

Sau nhiều thập kỷ với 7 lần quy hoạch thủ đô đều nói đến sông Hồng (theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ), đến nay, quy hoạch phân khu sông Hồng đã lần đầu tiên thành hình. Bản quy hoạch này vừa được Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt vào tháng 6 tới.

Theo tờ trình đồ án của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Bãi Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, giáp ranh với xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới. Ảnh: Lê Đoàn.

Phạm vi ranh giới: phía bắc đến đê tả ngạn và phía nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km. Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá…

Dân số tính toán theo quy hoạch khoảng 280.000 – 320.000 người (tăng 150.000 – 152.000 người so với nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, do dự án này đã trải qua quá nhiều năm xây dựng).

Tính chất và chức năng chính của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Chức năng chính của khu vực này, theo bản quy hoạch, là công trình công cộng; các công viên cây xanh; văn hoá dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Khu vực này cũng sẽ được bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị; hình thành trục không gian văn hoá – cảnh quan sinh thái hồ Tây – Cổ Loa.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Đồ án quy hoạch cũng đề cập đến việc phát triển đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp, trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng; xây dựng cầu, hầm kết nối đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy…

Hà Nội mong muốn phê duyệt được quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6 năm nay, ẢNH TN

Đồ án cam kết “không thu hẹp không gian thoát lũ”, “không đề cập điều chỉnh chỉ giới thoát lũ”, “không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ, không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ, mà nghiên cứu hệ thống cốt nền khai thác dọc bờ sông…”.

Đồ án đề xuất việc quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (quy hoạch 257). Trong đó, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá – Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).

Các bãi sông này được định hướng xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Do là bãi sông, các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng…

Hai khu vực Long Biên – Cự Khối, Bắc Cầu – Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở, với các loại hình công viên – quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp vị trí các bãi sông.

Các khu dân cư ven sông được tồn tại (diện tích khoảng 1.165 ha) định hướng cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị và được mở rộng diện tích dân cư hiện có (khoảng 60 ha), để bổ sung hạ tầng xã hội, xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.

Ngoài ra, theo quy hoạch 257, các khu dân cư hiện tập trung đông dân sinh sống trong không gian thoát lũ tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, chưa rõ sẽ bị di dời hay được tồn tại, bảo vệ. Đồ án đề xuất theo hướng, cho phép bổ sung các khu dân cư này vào danh mục được phép tồn tại.

Với các khu dân cư lâu đời ở Bắc Cầu, Bồ Đề (quận Long Biên), đồ án nêu còn có sự chưa phù hợp giữa các quy hoạch. Theo đó, căn cứ quy hoạch 1259 thì các khu dân cư này được giữ lại, còn quy hoạch 257 là di dời.

Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, trước mắt thành phố Hà Nội cần lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, sử dụng các bãi sông và các khu dân cư, qua đó xác định rõ nơi nào được tồn tại, bảo vệ hay cần di dời. Trên cơ sở ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan chức năng sẽ tham mưu UBND thành phố các bước tiếp theo.

Tuấn Kiệt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 bãi sông Hồng được quy hoạch thành khu đô thị mới hiện đại