Ấn Độ: Kỳ lạ ngôi trường nhận rác thải nhựa thay cho học phí, ‘trả lương’ cho học sinh

Ngọc Linh (t/h)|06/06/2019 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đối với trẻ em đi học, mang theo túi nylon là khá bình thường. Bình thường học sinh sẽ mang cặp chứa đầy sách, nhưng đối với một ngôi trường đặc biệt ở Ấn Độ, các em học sinh đến lớp đều mang theo một túi đầy rác mà không phải nghĩ tới nỗi lo tài chính.

Ấn Độ đang phải đối mặt với nạn rải thải nhựa, với khối lượng thải ra 26.000 tấn mỗi ngày. Ở huyện Pamohi, thuộc bang Assam phía đông bắc, người dân thường đốt rác để sưởi ấm vào những ngày mùa đông khắc nghiệt dưới chân núi Himalaya.

Trường Akshar Forum nằm tại một ngôi làng nhỏ có tên Pamohi ở Guwahati, Ấn Độ. Để khuyến khích cha mẹ nghèo gửi con đến trường thay vì đưa con đến làm việc trong các mỏ đá, trường Akshar Forum đã yêu cầu học sinh nộp rác thải nhựa thay cho học phí.

Cùng nhau phát triển ý tưởng về một ngôi trường cho cộng đồng, yêu cầu mỗi học sinh phải mang đến ít nhất 25 món rác thải mỗi tuần. Mặc dù ngôi trường này mang tính thiện nguyện và vận hành bằng các khoản đóng góp hảo tâm, việc nhận “học phí” bằng rác thải nhựa làm cho cộng đồng nơi đây gắn bó với ngôi trường hơn, rằng họ cũng đang đóng góp một phần công sức vào việc học của con em mình.

Hiện tại, trường có hơn 100 học sinh. Nó không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực với môi trường, mà còn bắt đầu cải biến cuộc sống của các hộ gia đình, xóa đi nạn sử dụng lao động trẻ em.

Học sinh của trường được yêu cầu nhét túi vào trong chai nhựa để làm “gạch sinh thái”, những thứ mà sau đó có thể được sử dụng để xây dựng các trường học mới, nhà vệ sinh hay các lối đi. Các em thậm chí còn được trả tiền để làm điều này.

Trường do Parmita Sharma và Mazin Mukhtar đồng sáng lập năm 2016, mong muốn đào tạo học sinh thành những người có khả năng tự kiếm sống và có trách nhiệm với xã hội. Không giới hạn học sinh bằng chương trình giảng dạy cố định, trường luôn chú trọng thúc đẩy khả năng sáng tạo, phát triển thế mạnh và trau dồi kỹ năng của các em.

Ngay sau khi thực hiện chương trình, các vấn đề về xử lý chất thải trong ngôi làng nhỏ đã được giải quyết và nhiều học sinh được đến trường học nhiều hơn mà không phải lo vấn đề học phí.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ: Kỳ lạ ngôi trường nhận rác thải nhựa thay cho học phí, ‘trả lương’ cho học sinh