Ba kịch bản Việt Nam ứng phó viêm phổi lạ xâm nhập từ Trung Quốc

Mai Lê (t/h)|17/01/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Y tế họp khẩn đưa ra 3 tình huống đối phó với bệnh viêm phổi cấp lây từ Trung Quốc, sau khi phát hiện 2 du khách bị sốt đang được cách ly tại bệnh viện.

Chiều 15/1, Bộ Y tế họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới về các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết một trong hai du khách người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam có biểu hiện sốt là nam sinh năm 1997, nhập cảnh vào sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 14/1 được phát hiện qua máy đo thân nhiệt từ xa. Hành khách này được đưa vào phòng cách ly tạm thời, khám sơ bộ, sau đó đưa vào khu cách ly tại một bệnh viện ở Đà Nẵng.

Đến 7h sáng cùng ngày người này giảm sốt, hiện tại sức khỏe bình thường, kết quả sinh hóa máu trong giới hạn bình thường, kết quả chụp X-quang không có gì bất thường.

Quy trình kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh TTO

Trường hợp thứ hai là bé trai sinh năm 2016, đi cùng chuyến bay, cùng đoàn du lịch với nam giới trên. Khi làm thủ tục nhập cảnh, bé sốt 37,5 độ C, cơ quan kiểm dịch y tế cho nghỉ ngơi tại phòng cách ly, hiện cũng hết sốt, sức khỏe bình thường.

Hai du khách đã bị cách ly lập tức, 20 người tiếp xúc gần với họ cũng bị cách ly. Mẫu bệnh phẩm của hai người đang được Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm để tìm tác nhân gây sốt. Hiện chưa rõ hai người này có mắc bệnh viêm phổi cấp tính từ Vũ Hán, Trung Quốc hay không, tuy nhiên họ đều cư trú ở Vũ Hán – nơi khởi phát bệnh phổi cấp tính do chủng virus corona chưa từng biết đến gây bệnh truyền nhiễm.

Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch đáp ứng phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona với 3 kịch bản ứng phó.

Kịch bản thứ nhất, khi phát hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam, sẽ khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Kịch bản thứ hai, khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam thì cần phát hiện sớm bệnh nhân viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch.

Kịch bản thứ ba là dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Khi ấy hệ thống y tế địa phương cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, có 3 sân bay có đường bay thẳng từ TP Vũ Hán của Trung Quốc đến là Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa.

Trước đó ngày 14-1, bà Maria Van Kerkhove – người đứng đầu đơn vị nghiên cứu các loại bệnh mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – cảnh báo chủng coronavirus mới gây bệnh viêm phổi lạ có thể lây từ người sang người và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đặc biệt trong các cơ sở y tế.

WHO lo ngại căn bệnh mới này có thể bùng phát trên diện rộng như hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (dịch SARS) năm 2003. Bà Maria Van Kerkhove khẳng định dù có rất ít thông tin, WHO đã chuẩn bị sẵn cho tình huống dịch bệnh lây lan diện rộng.

Hiện vẫn chưa có cách điều trị cụ thể đối với loại virus gây bệnh lạ. Trước mắt WHO chỉ có thể khuyến cáo các cơ sở y tế về cách chăm sóc các trường hợp bị nhiễm và đề phòng lây lan trong bệnh viện.

Mai Lê (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba kịch bản Việt Nam ứng phó viêm phổi lạ xâm nhập từ Trung Quốc