(Moitruong.net.vn) –  Các nhà khoa học dự đoán rằng nếu tình trạng xả rác thải nhựa ra biển không được cải thiện, đến năm 2050, chai nhựa, túi nylon sẽ phủ kín các đại dương trên khắp thế giới. Để góp phần hạn chế nguy cơ này, các nhà khoa học đưa ra những phát minh nhằm thu gom và xử lý nhựa trên biển.

Thùng rác nổi tự động thu gom rác

Thùng rác nổi làm sạch biển

“Peter Ceglinski và Andrew Turton, hai vận động viên lướt ván ở Australia, tạo ra thùng rác nổi Seabin có khả năng tự động thu gom rác thải trên bề mặt đại dương mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài cá”, báo Huffington Post cho biết.

Cấu trúc của chiếc thùng rác Seabin rất đơn giản. Nó bao gồm một thùng rác bên trong có gắn túi lưới tách rời, một đường ống dài nối thùng rác với máy bơm đặt trên bờ. Khi máy bơm hoạt động, nước bị hút vào thùng rác kéo theo các vật thể trôi nổi trên mặt nước.

Những loại rác thải lớn như chai nhựa, túi nylon bị giữ lại tại lưới lọc gắn trong thùng. Trong khi đó, dầu mỡ được đưa lên máy bơm và lọc riêng. Sau cùng, nước sạch được xả trở lại đại dương.

Hàng rào cao su thu gom rác

Ba năm trước, Boyan Slat lần đầu tiên trình bày kế hoạch làm sạch một nửa lượng rác thải trôi nổi trên khu vực biển giữa California và Hawaii, Mỹ. Giờ đây, bản thiết kế của Slat gần như đã trở thành hiện thực.

Slat huy động nguồn vốn khoảng 31,5 triệu USD để thực hiện dự án Dọn sạch Đại dương (Ocean Cleanup). Mục tiêu của dự án là lắp đặt hàng rào chắn làm từ chuỗi phao cao su hình chữ V dài 100 km ở giữa Thái Bình Dương nhằm thu thập rác thải nhựa. Rác thải bị đẩy về phía đỉnh chữ V, sau đó được thu gom lại và mang đi tái chế.

Một nghiên cứu về tính khả thi của dự án năm 2014 ước tính hàng rào như vậy có thể làm sạch nhựa tại khu vực đảo rác khổng lồ xuất hiện ở giữa Thái Bình Dương chỉ trong vòng 10 năm với chi phí khoảng 400 triệu USD.

Biến rác thải nhựa thành dầu

Adrian Griffiths, giám đốc điều hành công ty Recycling Technologies, Anh, sử dụng cỗ máy có kích thước bằng sân tennis trong một trung tâm xử lý rác ở phía tây London để biến nhiều loại rác thải nhựa thành vật liệu hữu ích hoặc dầu.

Cỗ máy này làm nóng rác thải nhựa lên đến 500 độ C, khiến các mảnh nhựa chuyển sang dạng hơi. Sau đó, hơi nhựa được làm lạnh để trở thành ba sản phẩm khác nhau, trong đó bao gồm dầu nhiên liệu Plaxx.

Theo VnE


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba phát minh “cứu đại dương”