Bắc Giang thu hơn 6.800 tỷ đồng từ vụ vải thiều năm 2021

Hoàng Anh|11/07/2021 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song doanh thu và sản lượng vải thiều Bắc Giang vẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay, vải thiều được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt 215.852 tấn (tăng trên 50.000 tấn, tương đương tăng 30,82% sản lượng so với năm 2020). Vải chín sớm tiêu thụ đạt 58.805 tấn (tăng 11.130 tấn, tương đương tăng 23,35% so với năm 2020), vải chính vụ tiêu thụ đạt 157.047 tấn (tăng 39.722 tấn, tương đương tăng 33,86% so với năm 2020).

Thị trường nội địa được quan tâm, mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận phía Bắc….

Vải thiều tỉnh Bắc Giang có mặt tại hầu hết các siêu thị (Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart…), trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn- TPHCM, Dầu Giây- Đồng Nai, Hòa Cường – Đà Nẵng…) và chợ truyền thống.

Đặc biệt, năm 2021, vải thiều tỉnh Bắc Giang đã được bán trực tuyến trên nền tảng online (facebook, zalo, Youtube …), hạ tầng internet trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, postmark, Alibba…) với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, đạt trên 6.000 tấn.

Vải thiều Bắc Giang có “luồng xanh” được thuận lợi thông qua các chốt kiểm soát dịch đường bộ; hầu hết các hãng hàng không nội địa (VietNam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air) có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để quả vải được vận chuyển bằng đường hàng không đến với người tiêu dùng các tỉnh phía Nam.

Về thị trường xuất khẩu, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu được ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng tại các nước đón nhận và đánh giá cao. Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang đã được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là nông sản đầu tiên của Việt Nam được phía Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ).

Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, … trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…) đã xuất khẩu với sản lượng gấp hàng chục lần so với năm 2020; khu vực Đông Nam Á cũng được mở rộng xuất khẩu với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay với gần 5.000 tấn.

Hoàng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang thu hơn 6.800 tỷ đồng từ vụ vải thiều năm 2021