Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Vân Khánh|19/05/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước đã được tổ chức. Ðây là lần đầu tiên người dân Việt Nam được hưởng quyền làm chủ của mình. Sau 75 năm, trong những ngày cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các các nhiệm kỳ 2021-2026, những lời dặn dò của Bác Hồ trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị…

Sáng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước Việt Nam mới non trẻ đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức.

Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp.

Người nói: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày tổng tuyển cử. Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”.

Đây là lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946. Sau đó, tại mít-tinh của hơn 2 vạn đồng bào Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội, Người nói: “Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960

Ngày 6/1/1946, hơn 90% cử tri đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. 4 tháng từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề khó khăn, đông đảo cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu.

Đó là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để chọn lựa những người đủ đức, đủ tài, có sự “quyết tâm, tri tâm và đồng tâm” để “ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào”, “phải làm cho xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc”, như lời Bác Hồ căn dặn, để Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thể hiện ý Ðảng đã quyết, lòng dân đã đồng.

Ngày nay, lý tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng để nhân dân, cán bộ và chiến sĩ cả nước, học tập và noi theo. Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào nề nếp, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (2/3/1946)

Trước thềm “ngày hội toàn dân”, nhìn lại chặng đường 75 năm phát triển, có thể thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: Quốc hội đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, đều hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Trên Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết: “Về ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Bác Hồ. Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: “…trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Theo ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, chiều 5/1/1946, trước hơn hai vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội đang mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Bác Hồ đã nói: “Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung…”. Hướng về phía cử tri Bác đã căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”. Hướng về phía các ứng cử viên Bác nhắn nhủ: “Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”…

Về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Từ đó, Bác khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Cũng theo ông Chu Đức Tính, sau thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, mặc dù trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nhưng vì quyền lợi tối cao của dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, tiếp tục đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã hoàn toàn thắng lợi, đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam: Từ thân phận nô lệ, đứng lên giành độc lập, làm chủ vận mệnh quốc gia, tự tổ chức ra Nhà nước của mình – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.

Thắng lợi này đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp 1946 tiến bộ và một hệ thống chính quyền có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.

 Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

14 khóa Quốc hội là một quá trình liên tục, kế thừa và phát triển, không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khoá trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội khóa sau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Phát huy thành tựu to lớn của 14 khóa Quốc hội, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được Quốc hội quyết định tổ chức vào ngày 23/5/2021 trên phạm vi cả nước là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021. Đây là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại biểu cho nhân dân cả nước tại Quốc hội – Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND các cấp – Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021 – 2026. Nhớ lại những lời dặn dò của Bác trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, cử tri và các ứng cử viên cả nước càng thấm thía về vai trò của mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, để thực hiện trọn vẹn vai trò của mình trong việc góp phần xây dựng bộ máy của các cơ quan đại biểu của nhân dân.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên