Bạc Liêu: “Căng mình” thích ứng với biến đổi khí hậu

20/10/2017 22:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bạc Liêu là một trong các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong công tác ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

>>> Bạc Liêu tích cực đầu tư phát triển năng lượng sạch

>>> Bạc Liêu: “khu dân cư ngập nước” sắp được giải quyết

sạt lở kè Nhà Mát, TP. Bạc LiêuSạt lở kè Nhà Mát, TP Bạc Liêu

Bạc Liêu chịu tác động không nhỏ từ biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, khi mà dự báo của các nhà khoa học đã trở thành sự thật, Bạc Liêu – một tỉnh ven biển, cũng như nhiều tỉnh, thành khác của Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu những tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu. Những tác động này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng điều có điểm chung là diễn biến bất thường gây thiệt hại nặng nề đa chiều.

Từ năm 2015 đến 2016, hơn 11.000 hộ nông dân ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gồm tiểu vùng chuyên sản xuất lúa có diện tích 80.600 ha và tiểu vùng chuyển đổi sản xuất nuôi trồng thủy sản và làm một vụ lúa có diện tích khoảng 75.600 ha ngậm ngùi gánh chịu thiệt hại gần 37 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Một năm sau, tháng 5/2017, cũng tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A này, nhưng mưa đến sớm, nước mặn thiếu trầm trọng gây khó khăn cho hơn 32.000 ha tôm nuôi, khiến nhiều diện tích tôm chết hàng loạt. Và cũng chính đợt mưa kể trên, kéo dài từ giữa tháng 5 đến nửa đầu tháng 6/2017 đã làm thiệt hại khoảng 24.000 ha lúa trên địa bàn tỉnh. Đó là còn chưa kể bà con nông dân phải đối mặt với dịch bệnh hoành hành khiến nâng suất lúa thấp.

Tháng 3/2017, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân quanh khu vực thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải và phường Nhà Mát, Tp.Bạc Liêu bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở nghiêm trọng của kè Gành Hào và kè Nhà Mát. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bạc Liêu phải công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở nghiêm trọng tại kè Gành Hào, huyện Đông Hải và kè Nhà Mát, Tp.Bạc Liêu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do triều cường dâng cao, sóng to, biển động mạnh, Kè Nhà Mát bị vỡ một đoạn dài 24m, phần còn lại của tuyến kè xuất hiện nhiều vết nứt, sụp lún, nguy cơ sạt lở cao. Kè Gành Hào bị sạt lở đoạn có chiều dài gần 90m, rộng 10m, sâu 2,5m, tổng diện tích sạt lở là 870 m2.

Tại kè Nhà Mát, nước biển tràn qua đoạn kè bị vỡ làm ngập nhà dân. Chính quyền phường Nhà Mát và các đơn vị chức năng đã phải sơ tán hàng chục hộ dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Trong khi đó, tại kè Gành Hào, sóng biển đánh sụp móng cầu Rạch Vượt nằm giáp bên trong kè, làm gián đoạn lưu thông, gây nhiều xáo trộn trong đời sống và sản xuất của người dân thị trấn Gành Hào.

Mới đây, tháng 10/2017, nhiều đợt triều cường dâng cao đột ngột xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đã xảy ra hơn 20 điểm tràn, ngập do triều cường, tập trung ở các địa phương: huyện Đông Hải, Hòa Bình, thị xã Giá Rai và Tp.Bạc Liêu. Nước ngập sâu từ 20 – 30 cm, có nơi lên đến 40 – 60 cm như Quốc lộ 1A. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu nhận định, mực nước đỉnh triều cường tháng 10/2017 tại trạm Gành Hào có khả năng vượt mức báo động III từ 0,1m đến 0,2m, rủi ro thiên tai ở cấp II.

Triều cường dâng cao không chỉ khiến mọi sinh hoạt của người dân bị trì trệ. Mà nghiêm trọng hơn, nước còn ngập sâu vào vùng giữ ngọt ổn định, đe dọa nhiều diện tích lúa, hoa màu của bà con nông dân. Trong khi đó, người dân ở khu vực ven biển, gần sông rạch đã phải khẩn trương triển khai các giải pháp như tôn nền, gia cố nhà cửa, cơi nới đồ đạc để tránh thiệt hại.

triều cường tại phường 3, TP. Bạc Liêu
Triều cường tại phường 3, TP Bạc Liêu

Triển khai giải pháp đồng bộ ứng phó với biến đổi khí hậu

Những con số, những ví dụ nói trên cũng chỉ phản ánh phần nào những tổn thất mà Bạc Liêu phải gánh chịu từ diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu. Đối mặt với những tác động nặng nề và các diễn biến bất thường ấy, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong công tác ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về xây dựng năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện công tác chỉ đạo và ban hành các văn bản ứng phó với biến đổi khí hậu như: ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/12/2016 về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 – 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch phù hợp với lĩnh vực của từng đơn vị triển khai thực hiện Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc thông tin trên báo, đài, cổng thông tin điện tử, các cơ quan thông tấn báo chí. Bộ tài liệu về bản đồ nước biển dâng và xâm nhập mặn được in ấn và phát hành đến các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để theo dõi diễn biến của biến đổi khí hậu và chủ động phòng tránh, ứng phó.

Trung tâm Khí tượng thủy văn phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu thường xuyên thông tin, phổ biến, cảnh báo diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu đến nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học được bố trí ngân sách phù hợp. Đồng thời, các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển được triển khai thực hiện tốt.

101 dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng kinh phí hơn 20.000 tỷ đồng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phê duyệt. Trong đó, 16 dự án giai đoạn 2012 – 2020, với nguồn kinh phí hơn 3000 tỷ đồng đang được triển khai thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng như: tiểu dự án nâng cấp tuyến đê biển Đông, tiểu dự án kè chống sạt lở khu vực cửa biển Nhà Mát, Tp.Bạc Liêu, tiểu dự án thí điểm “đê mềm” để gây bồi tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển khu vực cửa biển Nhà Mát…

Hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Bạc Liêu nói riêng và của cả nước nói chung vẫn còn dài với nhiều thách thức phía trước, nhưng với ý thức trách nhiệm và nỗ lực của mình, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, nhằm giảm nhẹ những tổn thương từ biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

Phương Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: “Căng mình” thích ứng với biến đổi khí hậu