Bài 4: Đồng bằng sông Cửu Long phải ‘thuận thiên’ với biến đổi khí hậu

Hoài Thu (T/h)|19/06/2019 12:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Miền Tây và khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở… nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và khai thác nước ngầm quá mức.

“Diễn biến của biến đổi khí hậu đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản đã dự báo. Chúng ta cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra thế nào để giải quyết”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói tại diễn đàn Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khai mạc tại TP HCM ngày 18/6.

Sau hội nghị về ĐBSCL được tổ chức hai năm trước, Thủ tướng chỉ đạo phát triển bền vững vùng đất này thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương châm “thuận thiên” – tức là sống chung và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng ĐBSCL (chi tiết đến cấp xã)

Nói rõ về thực trạng vùng, ông Hoàng Văn Bẩy (Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đến năm 2018 ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó, 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm (dài 149 km).

Tình trạng này không chỉ diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh rạch, với mức độ ngày càng nhiều. Điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14 km – từ xã Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), dải bờ biển dài 200 km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

ĐBSCL cũng chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn. Đặc biệt, những năm gần đây, biến đổi khí hậu và việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện vùng thượng lưu sông Mekong về vùng này đã thay đổi quy luật tự nhiên, xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).

Về tình trạng sụt lún, ông Bẩy cho biết, kết quả nghiên cứu do Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện từ năm 2014 đến 2017, xác định TP HCM và miền Tây có 306 mốc lún với tốc độ lún trung bình 1,07 cm mỗi năm. Ngoài nguyên nhân về yếu tố địa chất, sụt lụt xảy ra do suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung và do khai thác nước ngầm quá mức.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các giải pháp kiểm soát, khoanh vùng khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; lập bản đồ vùng lún, ngập mặn do tác động của nước biển dâng làm cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp ứng phó.

Để thích ứng với giảm dòng chảy kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, bên cạnh các giải pháp phi công trình (chuyển đổi mô hình canh tác, mùa vụ, giống…), cần kết hợp các giải pháp công trình để trữ – giữ nước trên hệ thống kênh, ô bao, các công trình kiểm soát xâm nhập mặn sâu trên nội đồng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sinh kế cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị cần tăng cường nghiên cứu và đầu tư các biện pháp trữ nước ngọt cho toàn vùng như: đầu tư các hồ chứa nước ngọt ở các vùng phù hợp; đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa, nước lũ.

Đối với vấn đề sụt lún, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.

ĐBSCL đang tập trung nguồn lực để củng cố cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ, xâm nhập mặn

Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.

Đặc biệt, cần nghiên cứu xác định quy luật biến đổi lòng sông và các quy luật tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở bờ sông, bờ biển; khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông để phòng, chống sạt lở bờ sông.

Hoài Thu (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Đồng bằng sông Cửu Long phải ‘thuận thiên’ với biến đổi khí hậu