Băn khoăn về khung hình phạt đối với thực phẩm bẩn

Hà Thu|21/02/2017 02:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Hôm qua (20/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên thứ 7 và cho ý kiến về Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về khung hình phạt đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như quy định về định mức phóng xạ ra môi trường.

loay-hoay-lo-bua-an-hoc-tro-trong-con-bao-thuc-pham-ban

Cần những quy định nghiêm

Thời gian qua dư luận xã hội bức xúc với thực trạng mất vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm, nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này. 

Liên quan đến tội vi phạm quy định về ATTP, báo cáo của Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung định lượng vào dự thảo nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP đang xảy ra phổ biến hiện nay.

Cho rằng vấn đề môi trường và ATTP đang rất bức xúc hiện nay, bởi vậy theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, đó cũng là lý do QH lựa chọn an toàn thực phẩm là chuyên đề giám sát tối cao. Ông Hiển cho biết, qua thực tế giám sát, vấn đề ATTP ở mức độ báo động, tại một số địa phương đã đến giới hạn đỏ. “Gần đây, vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu khiến 8 người chết, 27 người nhập viện; ở Hà Giang hơn 60 người ngộ độc thực phẩm…”, ông Hiển nêu dẫn chứng.

Ông Hiển cũng cho rằng nếu theo quy định tại Dự thảo Luật (sửa đổi Điều 317 theo hướng giảm nhẹ hình phạt) thì chẳng xử lý được ai và không có tính răn đe. “Theo tôi, một là giữ nguyên khoản 1 Điều 317 như Bộ luật cũ. Nếu xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm thì xử lý hình sự. Còn nếu sửa đổi như trong Dự thảo Luật thì không xử được ai đâu”, ông Hiển nói.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng.

Liên quan đến tội gây ô nhiễm môi trường, chia sẻ trên báo Pháp luật Việt Nam, bà Nga cho rằng, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 95/BCA-V19 ngày 18/01/2017 của Bộ Công an thì tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất”. Nếu quy định như Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường  thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được. 

Vì vậy, theo Chủ nhiệm UBTP, để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Bộ Công an và một số bộ ngành, Dự thảo Luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhưng do đây là nội dung chuyên ngành sâu, hiện nay lại chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn nên UBTP sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan; đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này.

Hà Thu 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn về khung hình phạt đối với thực phẩm bẩn