Báo động nhiều “ sông chết” do ô nhiễm

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)|08/05/2016 14:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Hà Nội

(Moitruong.net.vn) – Hệ thống sông ngòi của nước ta dày đặc với 2360 con sông, suối có chiều dài trên 10km, trung bình 20-25 km có một cửa sông. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài  động , thực vật , là nguồn sống của triệu người. Tuy nhiên nguồn nước trên đang suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành. Hà Nội – trái tim của cả nước đang đứng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.

Những con số đáng báo động

Theo thống kê và đánh giá của Bộ Y tế, Bộ tài nguyên và Môi trường trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém, gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

song to lich

Nước ở sông Tô Lịch có màu đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh

Ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra nghiêm trọng, theo Chi cục Thủy lợi cho biết hiện nay nguồn nước  trên địa bàn Hà Nội đang đứng trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động, vào mùa khô lượng nước ít và ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo đánh giá của một số liên minh tài nguyên thì lượng nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 350.000 – 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000m3 rác mỗi ngày được thải ra ở khu vực Hà Nội, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện và 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải.

Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường) cũng đề cập nhiều sông chảy qua địa bàn Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu đều trong tình trạng đáng báo động, nhiều hàm lượng vượt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những con số trên đã cho thấy mức ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại Hà Nội. Khảo sát mới đây của Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC) đã đưa ra kết luận không có  bất kỳ con sông nào trên địa bàn TP Hà Nội đạt loại I (không ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ).

Nguyên nhân nào gây nên “sông chết”?

Từ năm 1986 nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tốc độ phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kinh tế phát triển một mặt thúc đẩy đời sống của nhân dân nhưng kéo theo nhiều hệ lụy từ việc gia tăng dân số và hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, …đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Nguồn nước tại nhiều sông ngòi đang bị đe dọa.

maxresdefault

Sông Kim Ngưu lềnh bềnh chất thải

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với sự phát triển của hàng loạt những nhà máy, xí nghiệp là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Hà Nội là một thành phố lớn, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, hoạt động sản xuất phát triển nhưng công tác xử lý chất thải còn hạn chế gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Một số nhà máy, làng nghề truyền thống tại Hà Nội xả thẳng nước thải sản xuất ra sông ngòi đã biến nước sông thành màu đen nghịt, bốc mùi hôi thối, nhiều chất độc hại cản trở sự sống của các sinh vật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Đây chính là một biểu hiện rõ nhất cho mặt trái của công nghiệp hóa gây ô nhiễm môi trường.

Một trong những con sông ô nhiễm nặng tại Hà Nội đó là sông Nhuệ. Tại làng nghề truyền thống sản xuất dây thừng Trung Văn ( quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), việc nước thải trong các cơ sở sản xuất không qua xử lý được thải ra môi trường đã gây ô nhiễm đoạn sông chảy qua làng. Mùi hôi thối và màu nước đen  như mực, rác thải chất đống hai bên bờ sông và trôi nổi trên mặt nước là biểu hiện của ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  Thêm đó, hàng loạt các con sông chảy qua làng lụa Vạn Phúc, làng nghề dệt Dương Nội (Hà Đông) như sông Nhuệ, sông Đáy đã trở thành sông chết.

Không chỉ hoạt động sản xuất mà mặt trái của dân số đông cũng là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các sông. Hà Nội là thành phố đông dân nhất cả nước, với mật độ 3.490 người/km2. Mật độ cao như vậy gây sức ép lớn đến môi trường . Lượng nước thải, rác thải sinh hoạt tăng cao trong nhiều năm nay. Hình ảnh các gia đình sống gần sông đã xả thằng nước, rác thải sinh hoạt ra sông ngòi không còn xa lạ. Những đống rác chất cao tại các bờ sông vừa mất mỹ quan, đồng thời gây ô nhiễm môi trường nước. Ý thức của người dân còn chưa cao, thêm vào đó là hoạt động tuyên truyền chưa hiệu quả dẫn đến một bộ phận người dân chưa nhận thức được những tác hại khôn lường của việc ô nhiễm môi trường mà vẫn ngang  nhiên chà đạp lên chính sự sống của bản thân và nhân loại.

Một nguyên do quan trọng là những hạn chế trong các văn bản luật về bảo vệ môi trường, hạn chế quyền pháp lý của một số tổ chức bảo vệ môi trường.  Công tác quản lý chưa chặt chẽ ,còn nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cá nhân thực hiện hành vi xâm hại đến môi trường. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý về môi trường còn hạn chế, các phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng, chưa xử lý kịp thời hiện trạng trên cũng là nguyên do đáng đề cập.

Giải pháp xử lý ô nhiễm trên các sông Hà Nội

Con sông Tô lịch hay sông Nhuệ đang dần “chết” chảy giữa lòng thủ đô xinh đẹp là mối lo không chỉ của chính quyền thành phố mà còn của mỗi người dân nơi đây. Để xử lý tình trạng trên cần đến sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính quyền cùng người dân, đẩy lùi ô nhiễm, trả lại màu xanh cho các dòng sông, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sự sống con người.

Tại hội thảo Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường năm 2015, ông Lê Hoài Nam – Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cũng đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm như: tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các địa phương cùng khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường…

Ngoài ra,  để giảm thiểu ô nhiễm Sở tài nguyên và môi trường Hà Nội  cần chủ động phối hợp với các tổ chức bảo vệ môi trường  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thủ đô. Bên cạnh đó chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của các cán bộ quản lý, ứng phó và xử lý kịp thời với những vấn đề về môi trường, đặc biệt là nguồn nước tại các sông. Một giải pháp quan trọng thiết thực đó là tăng cường hoạt động nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại, các công nghệ sinh học trong việc xử lý chất thải tại các nhà máy và chất thải sinh hoạt, đảm bảo đúng theo quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra các sông. Sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý về môi trường, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân là cơ sở để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trả lại hình ảnh dòng sông xanh thơ mộng cho thủ đô ngàn năm văn hiến.

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động nhiều “ sông chết” do ô nhiễm