Bất cập vấn đề cấp nước sạch cho người dân Thủ đô (Bài 3): Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tuấn Kiệt|03/10/2022 08:00

Thực tế, nhiều vùng nông thôn của Hà Nội, người dân vẫn chưa có nhiều điều kiện tiếp nhận nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Việc quy hoạch và tác động của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân Thủ đô. Vì vậy, thành phố cần đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cấp đủ nước sạch cho người dân trên địa bàn.

100% người dân Thủ đô có nước sạch vào năm 2025

Thực tế về hiệu quả cấp nước sạch ở Hà Nội đặt ra những câu hỏi về thu hút nguồn vốn đầu tư ở mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là tư nhân, có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong hoạt động cung ứng dịch vụ nước sạch - một loại dịch vụ công thiết yếu.

Về thực hiện xã hội hóa phát triển mạng cấp nước đến nay đã có 29 dự án mạng được UBND TP. Hà Nội giao các nhà đầu tư thực hiện, 18 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành nâng tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch đáng kể.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-thu-do-11.jpg
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 100% người dân đô thị, nông thôn được sử dụng nước sạch

Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch vào năm 2025, Hà Nội đã có những động thái mạnh như tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án nước sạch trên địa bàn Thành phố. Hà Nội đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước. Đến nay một số dự án hoàn thành đã mang lại kết quả tốt.

Bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ như: Hỗ trợ đầu tư các công trình ngoài hàng rào; chi phí giải phóng mặt bằng; ưu tiên nguồn tài chính cho các dự án cấp nước; ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư các dự án cấp nước sử dụng nguồn vốn vay thương mại...

Hà Nội cũng đã có nhiều quyết nghị cụ thể trong nội dung chi đầu tư phát triển của ngân sách cấp Thành phố vào "Đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt" (Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016). UBND Thành phố cũng ban hành nhiều quy định chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch như: Ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, ưu đãi trong huy động vốn, hỗ trợ về vốn.

Tuy nhiên, vùng cấp nước Thủ đô rất rộng nên việc triển khai các việc đầu tư cho nước sạch bảo đảm chất lượng và thực hiện thành công mục tiêu 100% người dân Thủ đô có nước sạch vào năm 2025, vẫn còn là nhiệm vụ khó và cần nhiều quyết sách đúng đắn.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-thu-do-10.jpg
Hà Nội cần nhiều giải pháp cung cấp đủ nước cho người dân trên địa bàn

Phát triển mạng phân phối, dịch vụ cấp nước cho vùng nông thôn

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian tới, đơn vị này sẽ hoàn thành đầu tư mạng lước cấp nước phân phối, dịch vụ đảm bảo sẵn sàng đấu nối cấp nước cho người dân, tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đấu nối dử dụng nước sạch đối với các dự án đã xây dựng trong năm 2017-2020 .

Tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện xây dựng (8 dự án): (với quy mô 182 xã, 349.353 hộ, 1.453.452 người):

Hoàn thành dự án Nối mạng, cấp nước 15 xã, thị trấn: Lại Yên, Song Phương, Tiền Yên, Đắc Sở, Đức Giang, Sơn Đồng, Vân Canh, Đức Thượng, Kim Chung, Di Trạch, Yên Sở, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế và thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (quy mô 15 xã; 25.120 hộ; 100.480 người);

Hoàn thành mạng cấp nước thuộc Dự án cấp nước cho 28 đơn vị hành chính huyện Phú Xuyên và vùng phục cận (quy mô 28 xã, 53.750 hộ; 215.000 người);

Hoàn thành mạng cấp nước của 9 xã của huyện Đông Anh, và 5 xã của huyện Gia Lâm thuộc Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã), Hà Nội (quy mô 14 xã; 20.307hộ; 201.228 người).

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-thu-do-12.jpg
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội: Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, giảm dần khai thác nước ngầm.

Dự án đầu tư cấp nước sạch cho 12 xã Mê Linh (Phần mạng) quy mô: 12 xã, 30.000 hộ, 120.000 người.

Dự án đầu tư cấp nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín (26 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã), Thanh Oai (17 xã) với tổng quy mô: 90 xã, 162.000 hộ, 585.847 người.

Dự án đầu tư cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận (UBND TP chấp thuận chủ trương từ 2013) với quy mô 12 xã, 30.787 hộ, 123.148 người.

Dự án đầu tư cấp nước cho 03 xã (Bình Minh, Thanh Mai, Thanh Cao với quy mô 3 xã, 7.306 hộ, 29.224 người.

Dự án đầu tư cấp nước cho 8 xã của huyện Đan Phượng với quy mô 8 xã, 20.082 hộ, 78.525 người.

Hoàn thành phủ kín mạng cấp nước cho toàn bộ các xã còn lại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025: Đến nay đã có trên 252/414 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của TP.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, hệ thống cấp nước nông thôn hiện nay có khả năng cung cấp được cho khoảng 3.520.000 người, 880.135hộ (tương đương 80%) người dân nông thôn, số hộ ký hợp đồng sử dụng nước hiện nay là khoảng 2.993.522 người, 810.427 hộ (tương đương 67,6%). Còn 162 xã (1.436.777 người, 378,055 hộ) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, trong đó có 133 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện và 29 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án.

Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho biết, để hoàn thành mục tiêu về nước sạch trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% người dân được sử dụng nước sạch, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc, chỉ đạo các Nhà đầu tư triển khai hoàn thành các dự án ưu tiên trong năm 2021, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận hệ thống nước sạch lên khoảng 85%.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các Dự án đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước từ nguồn nước tập trung cho khu vực nông thôn đảm bảo người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch đạt 100% vào năm 2025”, ông Nguyễn Thế Công nhấn mạnh.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-thu-do-10.jpg
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội vệ sinh giàn mưa, bảo đảm cấp nước trong mùa hè

Cần sớm điều chỉnh quy hoạch

Để mọi người dân Thủ đô cùng được sử dụng nước sạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bên cạnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước theo quy hoạch, thành phố đã xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư thêm các nhà máy nước mới, hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp khó khăn.

“Đến nay, các khu vực có thể phát triển mạng cấp nước nông thôn đều đã được triển khai. Những khu vực còn lại đều xa hệ thống cấp nước tập trung, phải bổ sung tuyến ống truyền dẫn nên việc đầu tư kém hiệu quả; hơn nữa phải chờ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô”, phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin.

Thực tế, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2055/QĐ-TTg (ngày 20-12-2017). Theo đó, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) là đơn vị được giao lập quy hoạch điều chỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, tại quy hoạch điều chỉnh, VIWASE đề xuất 2 phương án. Phương án một là nâng công suất Nhà máy nước sông Đà, phương án hai là bổ sung Nhà máy nước Xuân Mai. Với phương án một, cần bổ sung 2 tuyến truyền tải trên Đại lộ Thăng Long và bổ sung tuyến truyền tải cấp cho các huyện phía Nam (chiều dài tuyến ống lớn, tổn thất áp lực cao). Với phương án hai, Nhà máy nước Xuân Mai (đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018) sẽ vừa cấp nước cho Hòa Bình vừa bổ sung nguồn cấp cho Hà Nội. Việc bổ sung nguồn cấp từ Nhà máy nước Xuân Mai sẽ bảo đảm kết nối an ninh, an toàn cấp nước, đồng thời bảo đảm cự ly cấp nguồn bổ sung cho khu vực phía Nam Hà Nội...

"Trong hai phương án, VIWASE đề xuất chọn phương án hai. Hiện, quy hoạch điều chỉnh đang được Bộ Xây dựng thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ",đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin thêm.

Việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội sớm được duyệt là rất cần thiết, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân khu vực nông thôn của thành phố được sử dụng nước sạch. Do đó, Hà Nội mong muốn Bộ Xây dựng sớm thẩm định, trình phê duyệt, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn và mạng cấp nước tại thành phố.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập vấn đề cấp nước sạch cho người dân Thủ đô (Bài 3): Cần nhiều giải pháp đồng bộ