Bất động sản Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Vĩnh Yên (TNMT)|18/06/2017 07:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bất động sản Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

(Moitruong.net.vn) – Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 11 tháng đầu năm 2016, FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào bất động sản tiếp tục phát triển với tổng vốn đăng ký mới tăng thêm 740 triệu USD (49 dự án cấp mới, chiếm 4,1% tổng vốn đăng ký).

Được biết, trong danh mục gần 80 dự án FDI với quy mô trên 500 triệu USD/dự án đã có 28 dự án có FDI đầu tư vào bất động sản. Có thể nói, FDI vào bất động sản đã chiếm vị trí số 1 trong danh sách các dự án FDI có quy mô lớn. Điều này cho thấy, lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn cho các đại gia ngoại.

Mặc dù giữ vị trí số 2 trong số các ngành, lĩnh vực thu hút FDI nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ vốn FDI đổ vào bất động sản có sụt giảm nhẹ. Tuy nhiên, có nhiều dự án lớn đón nhận nguồn vốn nước ngoài như: Dự án Midtown với tổng vốn đầu tư trên 225 triệu USD tại TPHCM; dự án thành phố Amata Long Thành (Đồng Nai) với vốn đăng ký 309 triệu USD của nhà đầu tư Thái Lan xây khu đô thị mới…

Với tiềm năng của một nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, cộng với số dân gần 100 triệu người có nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở, nghỉ dưỡng… Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ. Điển hình cho thực tế này là việc nhiều tập đoàn bất động sản hàng đầu Nhật Bản như Haseko, Fujita, Mitsubishi… đã đầu tư và đang tiếp tục tìm kiếm các dự án bất động sản tại Việt Nam.

Ngoài ra mới đây, nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ bao gồm Stellman Partner, Cartor fitzgerald và Weider Resorts đã đề xuất với UBND TPHCM về việc đầu tư một dự án bất động sản tích hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng vốn đăng ký 4 tỉ USD.

Trước diễn biến sôi động của thị trường bất động sản nói chung và dòng chảy ngoại vào bất động sản nói riêng, những năm gần đây để thu hút các nhà đầu tư ngoại Chính phủ đã ban hành những chính sách cởi mở. Thậm chí còn được đánh giá là một trong những luật cởi mở nhất so với nhiều nước trong khu vực so với Thái Lan, Malaysia, Singapore khi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Những nỗ lực của Chính phủ cùng với quyết tâm của nhiều chính quyền địa phương trong việc xử lý các dự án FDI bất động sản bị treo là cách tiếp cận phù hợp nhất trong tình hình hiện nay.

Mặc dù còn bộc lộ một số hạn chế song với các động thái tích cực nêu trên cho thấy giai đoạn 2017-2020 Việt Nam hoàn toàn có quyền kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ vẫn tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có cách tiếp cận mới để nguồn vốn này đảm bảo hiệu quả và bền vững, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.

Vĩnh Yên (TNMT)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm