Bình Định: Bờ sông sạt lở uy hiếp nhiều hộ dân

10/01/2018 08:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Khoảng 5 năm trở lại đây, hơn 50 hộ dân có nhà nằm dọc bờ Nam sông Côn, thuộc địa phận xóm Phụ Nhơn, thôn Phụ Ngọc (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) luôn thấp thỏm lo lắng bởi tình trạng xâm thực, khiến bờ sông sạt lở ngày một nghiêm trọng, uy hiếp nhà dân.

Bờ Nam sông Côn, đoạn qua xóm Phụ Nhơn, sạt lở nghiêm trọng, chỉ còn cách nhà cửa, công trình phụ, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân chừng 0,5 – 1m

Bờ Nam sông Côn, đoạn qua địa phận xóm Phụ Nhơn dài gần 1km, bắt đầu sạt lở từ năm 2013; đến các đợt lũ liên tiếp vào năm 2016 – 2017, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Hàng ngàn mét vuông đất vườn, đất nông nghiệp nằm dọc mép sông của nhiều hộ dân bị “hà bá nuốt chửng”. Đặc biệt, tại nhiều đoạn, nạn xâm thực làm xói mòn đất, nước sông chỉ cách nhà cửa, các công trình phụ, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân khoảng 0,5 – 1m.

Ông Trương Công Định, Trưởng thôn Phụ Ngọc, nhẩm tính: “2 năm gần đây, hơn 5.000m2 đất vườn, đất màu và hàng chục bụi tre thuộc địa phận xóm Phụ Nhơn đã bị cuốn trôi. Tình trạng này đe dọa đời sống của hơn 50 hộ gia đình có nhà nằm dọc bờ sông; đặc biệt, nhà của các hộ Nguyễn Thị Ngãi, Phạm Văn Tý, Nguyễn Thanh Lộc, Nguyễn Văn Bốn, Hồ Quang Văn, Thái Giáo Hiếu có thể bị nước sông cuốn trôi bất cứ lúc nào”.

Trong 6 trường hợp kể trên, nhà của bà Ngãi và ông Tý bị đe dọa nghiêm trọng nhất; nước sông khoét sâu vào tận vách nhà bếp, nhà vệ sinh và chuồng heo. Nước cuốn trôi đất tạo thành những hàm ếch khổng lồ, hình thành nhiều bờ vực dựng đứng; thỉnh thoảng lại có những mảng đất lớn bị chìm xuống nước.

Bà Nguyễn Thị Hữu, 87 tuổi, ở xóm Phụ Nhơn, có nhà nằm sát mép sông, lo lắng: “Trước kia, đất vườn phía sau nhà tui cách mép sông gần 20m, được hàng rào tre bao bọc, che chắn. Nhưng 2 năm gần đây, toàn bộ tre đã bị nước sông cuốn trôi, rồi cuốn trôi luôn phần đất phía sau nhà, nay mép sông chỉ cách nhà vệ sinh chừng nửa mét. Cứ đà này, bờ sông tiếp tục sạt lở có thể sẽ lấn sâu vào và ngôi nhà xây kiên cố của gia đình có nguy cơ bị sập đổ xuống sông”.

“Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng trong 1 – 2 năm gần đây rất có thể do tình trạng khai thác cát quá mức ở gần khu vực cầu Phụ Ngọc. Người dân địa phương nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành có biện pháp chấm dứt tình trạng khai thác cát nơi đây; nhưng nguyện vọng của bà con chưa được đáp ứng. Đến mùa mưa lũ, nhiều hộ phải di tản đi nơi khác để đảm bảo an toàn, nhưng ai cũng lo lắng bởi nhà cửa, heo, bò, gà, vịt có thể bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ bất kể lúc nào”, ông Nguyễn Văn Bốn, ở xóm Phụ Nhơn, tâm tư.

Để đảm bảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đầu tháng 11.2017, Chủ tịch UBND TX An Nhơn đã yêu cầu các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND xã Nhơn Phúc xây dựng kế hoạch di dời đối với 6 hộ dân bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở bờ sông; nhà có nguy cơ sập, cuốn trôi. Trong thời gian chờ quy hoạch bố trí đất, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác; nhanh chóng di dời, tránh trú tại những vị trí an toàn mỗi khi có mưa lũ.

Ông Võ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ Nam sông Côn đoạn qua thôn Phụ Ngọc nói riêng, xã Nhơn Phúc nói chung là vấn đề nan giải của địa phương từ nhiều năm qua. Trước mỗi mùa mưa bão, xã đều thành lập đội thanh niên xung kích, nhằm giúp người dân di dời ra khỏi những vùng sạt lở. Địa phương cũng cố gắng gia cố tạm thời những đoạn bờ sông xung yếu bằng cách đóng cọc tre, nhưng do kinh phí có hạn nên chỉ dừng ở mức tạm bợ”.

“UBND xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng TN-MT thị xã quy hoạch, bố trí đất cho các hộ dân nằm trong diện phải di dời do tình trạng sạt lở bờ sông. Địa phương sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Về lâu dài, chúng tôi mong tỉnh và Trung ương xem xét, bố trí đầu tư kinh phí xây dựng kè kiên cố 2 bên bờ sông để ngăn chặn nạn xâm thực; giúp người dân có nhà nằm ven bờ sông ổn định đời sống”, ông Hoàng cho biết thêm.

Theo BĐO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Bờ sông sạt lở uy hiếp nhiều hộ dân