Bình Định: Dân khát nước sạch bên công trình tiền tỷ bỏ hoang

Ngọc Linh (t/h)|12/08/2019 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chỉ vài tháng sau khi hoàn thành, công trình nước sinh hoạt tự chảy Vạn Hội được đầu tư xây dựng tiền tỷ không còn phát huy hiệu quả khiến người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Năm 2011, công trình nước sinh hoạt tự chảy Vạn Hội (xã Ân Tín, Hoài Ân, Bình Định) được đầu tư với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 175 hộ dân tại đây. Đến năm 2012, công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên,trái với sự kỳ vọng được hưởng nguồn nước sạch của người dân vùng nước nhiễm phèn, công trình “đắp chiếu” bỏ hoang ngay khi vừa cơ bản hoàn thành chỉ sử dụng được vài lần.

Tiếp cận khu vực chính của công trình cấp nước sinh hoạt, khung cảnh “vườn không nhà trống” đã “đánh sập” sự hình dung thông thường về một nhà máy nước hoạt động ngày đêm với những hệ thống máy móc, những con người cần mẫn làm việc để đưa nước sạch về với người dân

Theo chị Phan Thị Thanh (xóm 1, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín) cho biết, năm 2012, khi công trình nước Vạn Hội được hoàn thành, chị đã đóng khoảng hơn 1 triệu đồng để lắp đường ống này. Tuy nhiên, chỉ sử dụng được 3 tháng đầu thì nước bắt đầu thiếu hụt.

“Lúc đầu còn nước nhưng ít, vài năm trở lại đây thì không còn một giọt nào. Nhìn đường ống vậy thôi chứ trong đấy không có nước. Gia đình tôi phải bỏ tiền ra để đào giếng nhưng mùa nắng giếng cũng cạn. Tôi phải tiết kiệm từng giọt và mua nước bình về sử dụng, đời sống thật sự khó khăn”, chị Thanh chia sẻ.

Ông Võ Duy Tín, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân trực tiếp dẫn chúng tôi đến công trình nước tự chảy thôn Vạn Hội. Vượt qua hàng chục km từ huyện về xã, một công trình lớn được đầu tư theo nguyện vọng của người dân nằm giữa lưng chừng núi bị bao phủ bởi cây cối khiến nhiều người xót xa.

Công trình nước tự chảy Vạn Hội lâu năm nằm “đắp chiếu”, cây cối bao phủ. Ảnh: Báo Giao Thông

Hệ thống bể lọc nước các ngăn trơ đáy với cây cối mọc um tùm, cây mọc vượt qua cả thành bể. Các ngăn chứa nhỏ trong bể chứa lớn nước đặc quánh, váng nổi che kín trở thành môi trường sống thuận lợi cho các loài sinh vật kí sinh.

Theo ông Tín, nguyên tắc hoạt động của nhà máy này là lấy nguồn nước mặt tự nhiên chảy trên suối để đưa về nhà máy xử lý, sau đó thông qua đường ống từ nhà máy đưa về cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đặc biệt từ năm 2017, tình hình hạn hán diễn biến ngày một phức tạp, khô hạn kéo dài khiến nguồn nước đầu nguồn cạn kiệt.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân cho biết, địa phương đã cho bộ phận chuyên môn kiểm tra công trình trên để có những đề xuất giải pháp. Theo ý kiến của cơ quan chuyên môn thì phương án khoan 3 giếng bơm bổ sung nguồn nước, xây dựng 1 bể chứa để xử lý nguồn nước trước khi đưa vào hệ thống và mở mạng 2 km đường ống là giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng công trình ngưng hoạt động do nguồn nước mặt khan hiếm.

“Tuy nhiên, khó khăn là nguồn kinh phí để khắc phục công trình khá lớn, khoảng 6 – 7 tỷ đồng. Trong khi nguồn ngân sách huyện có hạn và gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh dịch tả heo châu Phi, hạn hán vẫn đang diễn ra phức tạp trong thời gian qua. Do đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn tạo điều kiện cho địa phương cân đối, bố trí sửa chữa, khắc phục công trình, sớm cấp nước sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống cho người dân”, ông Khúc cho hay.

Một công trình tiền tỷ mang ý nghĩa lớn với đời sống người dân bị bỏ hoang… để chờ vốn, nhiều hạng mục công trình bị tàn phá dần bởi mưa nắng, sự “bỏ rơi” của con người.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Dân khát nước sạch bên công trình tiền tỷ bỏ hoang