Bình Định: Sản xuất bột mì, người dân “gồng mình” chịu ô nhiễm

Phạm Huyền (t/h)|14/03/2017 07:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo ông Phạm Khắc Phi, Bí thư Ðảng ủy xã Bình Tân trao đổi với báo ĐBQH, toàn xã hiện có 22 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì đang hoạt động, riêng thôn Phú Hưng có 20 hộ, thôn Mỹ Thạch 2 hộ. Sau thời gian nghề này phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở thôn Phú Hưng đã đến mức báo động. Toàn bộ các cơ sở đều dùng băng chuyền để xay xát, công suất 10 tấn mì tươi/máy/ngày; lượng nước xả ra rất lớn nhưng không hề có bể lắng, không thực hiện các khâu xử lý trước khi thải ra môi trường.

(Moitruong.net.vn) Nghề trồng mì và chế biến tinh bột mì thực sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể và giúp hàng trăm lao động ở huyện Tây Sơn, Bình Định. Tuy nhiên do chưa có công nghệ xử lý chất thải nên đã khiến cho môi trường trong khu dân cư ngày một trầm trọng hơn.

Báo Bình Định đưa, tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc. Hàng ngày nhiều người dân ở thôn Phú Hưng phải hứng chịu không khí ô nhiễm, mùi nước thải bốc lên nồng nặc, hôi thối, nhất là vào thời điểm chính vụ (bắt đầu tháng 8 âm lịch đến sau Tết). Đây là thời điểm các cơ sở vào vụ sản xuất chính nên không khí ô nhiễm càng nặng nề hơn.

images169984_10-1

Một hộ ở thôn Phú Hưng đang chế biến tinh bột mì. Ảnh: Báo Bình Định

Không chỉ hôi thối, nước thải từ việc chế biến tinh bột mì không qua xử lý được xả thẳng vào môi trường lâu ngày đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Giếng nước của nhiều hộ dân ở thôn Phú Hưng bị ô nhiễm, không còn sử dụng được. Nhiều gia đình phải mua nước lọc về uống hoặc phải đến các giếng ở xa không bị ô nhiễm để xin nước về nấu ăn.

Theo phản ánh, năm 2015, UBND xã Bình Tân đã làm việc với ngành điện lực đề nghị tạm ngừng cung cấp điện đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì; đồng thời, yêu cầu các hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau đó các hộ đã mua máy nổ công suất lớn tiếp tục chế biến, xả thải.

Năm 2015 – 2016, UBND xã liên tục cử các tổ công tác đi kiểm tra, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức 1 – 5 triệu đồng/hộ vi phạm, song kết quả chỉ như “nước đổ lá môn”. Ðầu năm 2017, UBND xã cùng Phòng TN – MT huyện Tây Sơn tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến mì hoạt động gây ô nhiễm; lập biên bản đề nghị xử phạt 3 hộ ở thôn Phú Hưng đã có hành vi xả nước thải mì qua hệ thống xử lý tự xây dựng không bảo đảm và xả ra khu vực đất canh tác ở đồng Phú Ân.

Không riêng thì huyện Tây Sơn, ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định tình trạng ô nhiễm từ cơ sở sản xuất bột mì cũng diễn ra tương tự.

Theo UBND xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn toàn xã hiện có 145 cơ sở làm nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì; tập trung chủ yếu ở thôn Tấn Thành 1, Tấn Thành 2, Phụng Du 1 và Phụng Du 2. Mỗi ngày, một hộ chế biến khoảng 300kg mì tươi; tạo ra khoảng vài chục kg bột mì tinh nhất. Cá biệt, có hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, phục vụ chế biến với công suất hàng chục tấn mì tươi/ngày. 

Do đó, mỗi ngày các cơ sở chế biến tinh bột mì xả ra một khối lượng nước thải rất lớn, trong khi hầu hết các cơ sở chế biến đều không có hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn; chủ yếu thải xả trực tiếp ra môi trường. Nước thải có màu trắng đục sớm chuyển hóa thành mùi hôi thối đến nhức óc, tích tụ lâu ngày tạo nên những ao nước đen ngòm, gây ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt và ô nhiễm không khí rất nặng.

Đáng ngại, kết quả kiểm tra của Sở TN-MT mới đây cho thấy, trong nước thải sản xuất bột mì ở Hoài Hảo có lượng độc tố cyanua rất lớn. Mức độ ô nhiễm tại đây vượt mức cho phép trên 5.000 lần.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, chia sẻ với báo chí: “Trong tháng 1/2016, địa phương tổ chức kiểm tra đồng loạt 145 cơ sở sản xuất tinh bột mì ở địa phương, kiên quyết đình chỉ hoạt động và kiến nghị UBND huyện rút giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường”.

Phạm Huyền (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Sản xuất bột mì, người dân “gồng mình” chịu ô nhiễm