Bình Thuận: Phát triển du lịch xanh gắn liền với chống rác thải nhựa

Ngọc Linh (t/h)|10/07/2019 01:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ doanh nghiệp du lịch dùng sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, không dùng túi nilon.

Với mục đích thay đổi nhận thức và thói quen của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân và khách du lịch trong sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần và hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch xanh và thân thiện, ngày 9/7/2019, tại Thành phố Phan Thiết, sẽ diễn ra Tọa đàm “Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa và phát động phong trào hưởng ứng chống rác thải nhựa” với nội dung trao đổi, họp bàn các giải pháp phát triển du lịch địa phương gắn với giải pháp hạn chế rác thải nhựa.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, về sự ảnh hưởng của vấn đề rác thải nhựa đối với ngành du lịch.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết trong những năm qua du lịch Bình Thuận phát triển với tốc độ nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đem đến một số tác động tiêu cực, nhất là gây ô nhiễm môi trường do thói quen xả rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa khó phân hủy. Điều này đã và đang là rào cản lớn khiến ngành du lịch không khai thác hết tiềm năng vốn có, làm giảm tính hấp dẫn của các điểm tham quan du lịch.

Để Bình Thuận nói chung và Khu du lịch quốc gia Mũi Né nói riêng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững thì việc bảo vệ môi trường bằng “cuộc chiến” chống rác thải nhựa là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. “Cuộc chiến” này đang cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, cho rằng các khu du lịch ven biển hiện nay ở Bình Thuận đều gặp phải vấn đề rác thải từ biển trôi dạt vào và 90% trong đó là rác thải nhựa. Lượng rác này không chỉ xuất phát từ các hoạt động đánh bắt của ngư dân trên biển mà còn từ việc xả rác thải trực tiếp của cư dân sống ven biển, các cơ sở chế biến hải sản và hành vi bỏ rác bừa bãi của khách du lịch…

Xây dựng hình ảnh du lịch biển Bình Thuận xanh và thân thiện

Các đại biểu cho rằng ảnh hưởng của rác thải nhựa đã quá rõ. Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống rác thải nhựa cần có sự tham gia của toàn xã hội. Bên cạnh việc nhân rộng các chương trình ra quân dọn dẹp, thu gom rác thải… để tạo sự lan tỏa, tác động đến du khách, cộng đồng dân cư thì việc sử dụng thay thế sản phẩm thân thiện với môi trường cũng hết sức cần thiết.

Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa, ông Anton Bespalov, Giám đốc Victoria Resort, cho biết trong ba năm trở lại đây các sản phẩm túi nylon, đồ nhựa phục vụ trong phòng khách và quà tặng khách ở resort này đều được thay thế bằng đồ gỗ và các loại túi giấy; ống hút gạo, giấy thay thế cho ống hút nhựa, các chai nhựa đựng nước uống miễn phí được thay bằng các chai thủy tinh… Điều đáng mừng là du khách cảm thấy rất thích thú và phản hồi rất tốt về việc này. Nếu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều thống nhất, tham gia chống rác thải nhựa thì sẽ tạo sự lan tỏa rất lớn và từ đó hình ảnh du lịch Bình Thuận sẽ đẹp hơn trong mắt du khách.

Về giải pháp lâu dài, đại diện các đơn vị cho rằng việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục thói quen không xả rác bữa bãi của người dân phải được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, giải pháp về trang bị thêm thùng rác ở các khu du lịch công cộng, ven biển, đường phố; hạ giá thành sản phẩm tự hủy, thân thiện môi trường… cũng được các đại biểu đề cập tại tọa đàm.

Bình Thuận là địa phương có ngành du lịch phát triển nhưng đến nay mới chỉ có 15 đơn vị doanh nghiệp du lịch triển khai chương trình không sử dụng sản phẩm nhựa một lần, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và cũng chỉ 15 đơn vị này tham gia chương trình làm sạch môi trường Clean Up Day.

Nhân dịp này ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, các địa phương trọng điểm du lịch cùng thống nhất nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm túi nilon khó phân hủy.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ doanh nghiệp du lịch Bình Thuận dùng sản phẩm thay thế thân thiện môi trường và các siêu thị tại Bình Thuận sẽ không dùng túi nylon phục vụ khách hàng.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Phát triển du lịch xanh gắn liền với chống rác thải nhựa