Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Theo BTNMT|22/08/2017 02:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 21/8, Hội nghị Hội ý chuyên đề về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc và lãnh đạo Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ. 

hoi nghi

Toàn cảnh Hội nghị Hội ý chuyên đề về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin) trong hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016  – 2020, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường cho biết, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin với việc từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý về quản lý ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường; các đơn vị trực thuộc Bộ đã và đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuộc Bộ cụ thể.

Bộ đã kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời, Bộ đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3,4 góp phần thực hiện cải cách hành chính của Bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng của Bộ.

Tiếp tục triển khai hệ thống chữ ký số trong điều hành tác nghiệp của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị; cơ bản 100% văn bản, tài liệu không mật chính thức trao đổi giữa các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng thông tin điện tử; 100% văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản cần phổ biến được đưa lên internet.

Ngoài ra, nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, cải cách hành chính, dự kiến năm 2017, Bộ sẽ cung cấp 58 dịch vụ công trực tuyến mức độ 44,4 tới người dân và doanh nghiệp và 13 thủ tục hành chính kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN. Tiếp tục xây dựng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận “một cửa” tại các đơn vị có giao dịch, trao đổi với người dân và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, đối với việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chủ chương của Bộ luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng với sự tham gia của tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ với các nội dung và khối lượng rất lớn và phức tạp. Việc ban hành và tuân thủ, đặc biệt, liên tục cập nhật là yêu cầu rất quan trọng trong quản lý ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử sẽ đáp ứng được các mục tiêu tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin. Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan, đơn vị; Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế; tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ

Đối với công việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, Thứ trưởng Linh Ngọc nêu rõ: Dù việc xây dựng, thực hiện có nhiều khó khăn do Bộ quản lý tới 9 lĩnh vực trong phạm vi rất rộng, lĩnh vực nào cũng có bề dày lịch sử. Tuy nhiên, để sớm hoàn thành được mục tiêu thì cần phải cùng nhau thống nhất các nguyên tắc, phương hướng để thực hiện. Cần có những sự tư duy, tính toán để loại bớt những thủ tục, tránh phức tạp hóa các vấn đề để giảm bớt những khó khăn không cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát lại khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam mà Bộ Thông tin truyền thông đã ban hành để căn cứ vào đó xác định, định hướng xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục có trách nhiệm tổng hợp, phân tích xác định Chiến lược phát triển của ngành, 9 lĩnh vực do Bộ quản lý. Chủ trì xây dựng các mẫu phiếu thu thập thông tin phục vụ dự án, tổ chức hướng dẫn các đơn vị tham gia dự án thực hiện. Chủ trì phân tích, thiết kế các mô hình, giải pháp kỹ thuật theo yêu cầu của kiến trúc.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường cần phải xác định và làm việc với từng đơn vị để nghe, hiểu, trao đổi thông tin đa chiều để đưa ra được một thống nhất chung giữa các đơn vị trong Bộ và cả các địa phương trong cả nước.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu trong thời gian sắp tới, mọi dự án liên quan đến công nghệ thông tin của các đơn vị trong Bộ đều phải qua sự thẩm định của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường để tạo sự đồng nhất về cơ sở dữ liệu, hạ tầng, quy chuẩn kỹ thuật. Tất cả phải làm sao để công nghệ thông tin có thể tạo ra được một sự giao thoa, kết nối liên thông tất cả các lĩnh vực mà Bộ quản lý tới các cơ quan quản lý, thực hiện với người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả và đồng thuận nhất.

Theo BTNMT

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin