Bộ TN&MT công khai các sai phạm đất đai tại Đồng Nai và Hà Giang

Minh Nhân|16/02/2022 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Qua báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố công khai tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Hà Giang. Nhiều doanh nghiệp đã bị thu hồi, kiến nghị thu hồi đất.

Bộ TN&MT công bố sai phạm đất đai hàng trăm hecta tại Đồng Nai, Hà Giang

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trưởng (TN-MT) tỉnh Đồng Nai đã rà soát và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố công khai 4 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai (đợt 1 năm 2022) do chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho biết: Đây là những trường hợp vi phạm theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, dự án Tổng kho xăng dầu xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) của Công ty CP Vật tư xăng dầu COMECO với tổng diện tích 20ha. Ngày 23/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất.

Thứ 2 là dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ tại xã Túc Trung (huyện Định Quán) của Công ty TNHH TMXD Đa Lộc (nay là Công ty CP TM-XD Đa Lộc) với tổng diện tích 0,3133ha.

Dự án này vi phạm do chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng đã được Thanh tra tỉnh kết luận tại kết luận số 7931 ngày 11/8/2017. Đến ngày 17/5/2021, Sở TNMT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh kiến nghị chấp thuận gia hạn 24 tháng. Ngày 4/6/2021 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định chấp thuận gia hạn thời hạn sử dụng đất 24 tháng.

Thứ 3 là dự án Khu dân cư dịch vụ và cù lao Tân Vạn tại phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa) của Công ty CP Đầu tư Tín Nghĩa – Á Châu với tổng diện tích 48,05ha. Dự án này vi phạm do chưa đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất (thời điểm vi phạm năm 2020). Ngày 9/7/2020 UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấp thuận gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng.

Trường hợp thứ 4 là dự án xây dựng Xưởng sản xuất tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) của Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hồng Hưng 2 với tổng diện tích 0,5004ha. Dự án này vi phạm do chậm tiến độ (thời điểm vi phạm năm 2020).

Còn tại tỉnh Hà Giang, có 7 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai được công khai, gồm Công ty TNHH Hải Phú, có địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại tổ 5, phường Ngọc Hà, TP.Hà Giang. Theo Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Giang, Công ty Hải Phú vi phạm pháp luật về đất đai vì đã lấn chiếm 49.424 m2 đất.

Tiếp đó là Công ty Cổ phần lương thực Hà Giang, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Lý do doanh nghiệp này vi phạm pháp luật về đất đai là không sử dụng đất trong thời gian dài (12 tháng liên tục).

Tương tự, Công ty TNHH Linh Quý, địa chỉ sử dụng đất có vi phạm tại dự án trồng rừng sản xuất tại Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên. Doanh nghiệp này không sử dụng đất trong 24 tháng không liên tục. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng địa phương đã kiến nghị xử lý vi phạm, thu hồi 2.908.000 m2 đất.

Các trường hợp còn lại cùng vi phạm pháp luật về đất đai do không sử dụng đất trong thời gian dài, bao gồm: Công ty Cổ phần Lâm Sinh Hà Giang, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại các xã Trung Thành, Minh Ngọc (huyện Vị Xuyên) và xã Ngọc Đường, TP.Hà Giang; Hợp tác xã Ngàn Hoa và Hợp tác xã Dịch vụ Hoàng Bách, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại huyện Vị Xuyên; Công ty TNHH Yên Bình, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại xã Tân Thành, huyện Bắc Quang.

Trước đó, Bộ TN&MT có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách các dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai còn vướng mắc, chưa xử lý; các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, các địa phương báo cáo danh sách các dự án, công trình có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng đến nay còn vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết để đưa đất vào sử dụng.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tổng hợp, phân tích, phân loại các vi phạm, đánh giá cụ thể từng trường hợp vi phạm (loại vi phạm, hình thức vi phạm), vướng mắc khó khăn trong thực hiện, nguyên nhân và kiến nghị những giải pháp cần tháo gỡ đối với các dự án, công trình.

Minh Nhân

Bài liên quan
  • Bắc Ninh kiên quyết giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề
    Moitruong.net.vn – Kinh tế làng nghề vẫn được coi là thế mạnh của tỉnh Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã đóng góp một phần quan trọng trong mục tiêu kinh tế của tỉnh. Dẫu vậy nhưng kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập xung quanh đào tạo nguồn nhân lực, tiệp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, ô nhiễm môi trường,… ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT công khai các sai phạm đất đai tại Đồng Nai và Hà Giang