Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nâng tầm giá trị cho Chè Thái Nguyên

Theo omard|28/02/2018 04:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – “Cây chè giữ vị trí số 1 hoàn toàn nhất trí nhưng tỉnh Thái Nguyên phải có tầm nhìn, chiến lược, đề án tổng thể để ngành hàng chè trở thành trụ cột, nhân lõi không cho nông nghiệp nữa mà phải là nhân lõi của một kết cấu nền kinh tế dịch vụ du lịch tương lai” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định như vậy khi dự Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân- Vùng chè đặc sản Tân Cương” và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên hái chè khai xuân 

Thái Nguyên được biết đến không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạnh, An toàn khu kháng chiến mà còn được biết đến bởi đặc sản “Đệ nhất danh trà”. Sản phẩm chè Tân Cương hương vị đặc trưng riêng đã làm lên thương hiệu chè nổi tiếng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Vùng chè đặc sản Tân Cương và cũng là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Dự lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tham quan các gian hàng trưng bày, chứng kiến các công đoạn sản xuất thủ công của nghệ nhân từ hái chè, sao chè. Bộ trưởng cho rằng đây là một hoạt động văn hóa đặc sắc gắn với du lịch và sản xuất nông nghiệp truyền thống. Bộ trưởng nhận định, Tân Cương là một vùng trời phú với tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt. Thái Nguyên rất biết cách duy trì nhãn hàng truyền thống là sản phẩm trà, giúp chè Thái nổi tiếng cả nước và trên thế giới.

Hiện nay toàn quốc có khoảng 130.000ha chè, thì riêng Thái Nguyên là trên 21.000ha. “Cùng với chăm lo xây dựng vùng nguyên liệu, tỉnh Thái Nguyên đã chú ý tới liên kết chuỗi sản xuất từ vùng sản xuất, công nghệ chế biến, chăm lo phát triển thị trường do đó thương hiệu chè của Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng ở đất nước Việt Nam mà chúng ta còn tham gia góp phần xuất khẩu đi thế giới. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản xuất chè và chúng ta xuất khẩu đi 64 nước trên thế giới với kim ngạch gần 250 triệu USD” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đến nay, chè Thái Nguyên vang dội không chỉ trong nước mà còn được đánh giá có những thương hiệu rất cao trên thế giới. Trà Thái Nguyên là 1 trong 8 quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục Châu Á. Mẫu trà Đinh Phương Phẩm của Công ty CP chè Tân Cương Hoàng Bình đạt giải đặc biệt tại cuộc thi trà Bắc Mỹ do Hiệp hội trà Mỹ – Canada tổ chức vào tháng 9/2017. Sản phẩm của HTX chè Thiên Phú An đạt giải sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu.

Tuy đánh giá cao về những kết quả đạt được, nhưng Bộ trưởng cũng nêu ví dụ về giá trị của chè Tân Cương: Một cân chè đinh ở Tân Cương, Tp. Thái Nguyên bán giá cao nhất được 5 triệu đồng trong khi 1 cân chè loại đặc biệt ở Trung Quốc bán giá 120 triệu đồng. “Bao bì thậm chí nhiều tiền, bắt mắt hơn sản lõi bên trong” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thưởng trà

Bộ trưởng mong muốn chè Tân Cương cần được chế biến sâu để đang dạng sản phẩm và có giá bán cao hơn. Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh Thái Nguyên nói chung, đặc biệt là thành phố Thái Nguyên và các công ty kinh doanh khai thác chè cùng với bà con ở vùng Tân Cương tập trung khai thác lợi thế là có một vùng nguyên liệu tự nhiên rất tốt chúng ta phải nghiên cứu làm sao cho khâu tổ chức, chế biến áp dụng khoa học công nghệ để cho ra rất nhiều sản phẩm với chuỗi giá trị dài. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể tổ chức tốt các hình thức thương mại, phân phối, bán không chỉ trong thị trường trong nước mà còn tại thị trường quốc tế, làm thế nào để có thể cho ra được hiệu quả sản xuất chuỗi cây chè cao nhất, trên cơ sở đó đảm bảo lợi ích của người nông dân tham gia trồng chè và các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất chế biến và phân phối chè” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên, trao đổi các nội dung về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên và một số đề xuất của tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên đề xuất với Bộ trưởng 5 nội dung liên quan đến chức năng của ngành nông nghiệp, bao gồm: Điều chỉnh quy mô, chức năng của Hồ Núi Cốc; Xác lập lại diện tích của rừng đặc dụng Hồ Núi Cốc để làm cơ sở phát triển khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc; Hỗ trợ thủ tục thực hiện đề án chấn chỉnh lũ Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bờ sông; Hỗ trợ xây dựng 154 ha khu nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị chức năng trực thuộc tán thành và đồng ý với chủ trương của Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các cục, vụ, viện và lãnh đạo địa phương phối hợp chặt chẽ, sớm hoàn thiện thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo omard


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nâng tầm giá trị cho Chè Thái Nguyên