Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất tại miền Trung

Mai Anh|02/11/2020 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hầu hết vụ sạt lở ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị, Huế đến Quảng Nam, đều có yếu tố nội sinh hết sức rõ ràng.

Chiều 1/11, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh những trường hợp không may tử nạn thời gian vừa qua là bất khả kháng chứ không phải do sự vô trách nhiệm của địa phương hay phá rừng. Ông bày tỏ sự không đồng tình với luồng ý kiến cho rằng các vụ sạt lở mới đây xuất phát từ các nhà máy thủy điện hay phá rừng.

“Khi tôi ở miền Nam, có những cánh rừng bạt ngàn nhưng khi lũ lớn thì cả cánh rừng, cả quả núi cũng sạt lở”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung chiều 1/11. Ảnh: Zing.vn

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dành 15 phút để báo cáo Thủ tướng về nguyên nhân sạt lở tại khu vực này.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện bộ đã và đang triển khai đề án nghiên cứu về lũ quét và nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh vùng núi có nguy cơ cao.

Trong đó, bộ đã xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở với tỷ lệ 1/50.000, tập trung ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Các bản đồ này đã được giao cho các địa phương để điều chỉnh quy hoạch và cung cấp cho các đài khí tượng thủy văn để đưa ra dự báo liên quan đến mưa, bão.

“Hạn chế hiện nay là tỷ lệ 1/50.000 nên rất khó để đưa vào dự báo chi tiết vì nó đòi hỏi nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, địa chất công trình, thủy văn, quy luật liên quan, đặc biệt là lượng mưa, rất cụ thể và thực tế tại thời gian đấy”, Bộ trưởng Hà chia sẻ.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lý giải nguyên nhân sạt lở tại miền Trung thời gian qua. Ảnh: Zing.vn

Lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường cho biết qua đánh giá hiện nay, hầu hết vụ sạt lở ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị, Huế đến Quảng Nam, đều có yếu tố nội sinh hết sức rõ ràng. Ông khẳng định nguyên nhân nội sinh là lý do chính dẫn đến sạt lở thời gian qua.

Thứ nhất, bản đồ dự báo sạt lở tỷ lệ 1/50.000 cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở. Thứ hai, những vùng này đều nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định.

Thứ ba, những đứt gãy này và hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15-16 m. Do đứt gãy nên phong hóa rất cao, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét.

Về thảm thực vật, hầu hết ở khu vực này, các thảm thực vật cây công nghiệp và cây lương thực có nơi chiếm 100% màu xanh, có nơi chiếm 70-80%. Bộ trưởng đánh giá rừng công nghiệp mà vẫn giữ được độ phủ thực vật như vậy là rất tốt.

Ông nhận định những khu dân cư ổn định nhiều năm như điểm sạt lở tại Trà Leng và có độ phủ đầy đủ mà vẫn xảy ra sạt lở cho thấy yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính.

Bộ trưởng dẫn lại báo cáo cho thấy trong 20 ngày, khu vực này phải đồng thời chống chọi 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới kèm theo lượng mưa kỷ lục 250-300 mm, có ngày mưa đến 500 mm.

“Với lượng mưa này thì những khu vực có cấu trúc địa chất tương tự, với lượng mưa mỗi ngày 100 mm thì đã có thể xảy ra hiện tượng như bây giờ. Nhưng do biến động cực đoan của khí hậu và thời tiết thì nó cộng sinh thêm”, Bộ trưởng Hà lý giải.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết qua nghiên cứu, bộ nhận thấy nhiều trường hợp là tổ hợp của sạt lở và lũ quét. Cụ thể, nhiều khi sạt lở xảy ra ở vùng đồi và lấp các sông suối, gây nên lũ quét. Khi lũ quét hình thành tại khu vực sông suối này, cộng thêm sạt lở trước đó, kết hợp với yếu tố nội sinh kể trên, tạo ra những tổ hợp sạt lở như vừa rồi.

“Sạt lở tạo ra yếu tố lũ quét, nhưng lũ quét lại làm gia tăng trượt lở do yếu tố đất đai phong hóa đã có từ trước”, ông giải thích và cho biết sau khi hết bão, bộ sẽ tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề này.

Nói thêm về các hồ điều tiết, lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh miền Trung thời gian qua trong việc điều tiết hồ chứa giúp giảm lũ lớn cho hạ lưu, dù chưa thể cắt đỉnh lũ. Theo báo cáo, có hồ góp phần giảm 30%, có nơi góp phần giảm 80% lượng lũ.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết qua nghiên cứu, bộ nhận thấy nhiều trường hợp là tổ hợp của sạt lở và lũ quét. Cụ thể, nhiều khi sạt lở xảy ra ở vùng đồi và lấp các sông suối, gây nên lũ quét. Khi lũ quét hình thành tại khu vực sông suối này, cộng thêm sạt lở trước đó, kết hợp với yếu tố nội sinh kể trên, tạo ra những tổ hợp sạt lở như vừa rồi.

“Sạt lở tạo ra yếu tố lũ quét, nhưng lũ quét lại làm gia tăng trượt lở do yếu tố đất đai phong hóa đã có từ trước”, ông giải thích và cho biết sau khi hết bão, bộ sẽ tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề này.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất tại miền Trung