Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giám sát chặt việc thực hiện các cam kết BVMT của Nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang

Theo Monre|20/10/2017 01:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 19/10 tại trụ sở Ban quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các địa phương có liên quan về việc bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án “Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (công suất 420.000 tấn giấy/năm)” của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. 

bo truong tran hong ha
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc chiều 19/10

Cùng dự buổi làm việc có ông Lữ Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hậu Giang; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; đại diện Lãnh đạo UBND và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long; Đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Hiệp hội giấy và bột giấy việt Nam và đặc biệt là sự có mặt của các chuyên gia như: GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, GS.TS Nguyễn Văn Phước, PGS.TS Đinh Xuân Thắng, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn…

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng đã thay mặt Tổ giám sát báo cáo kết quả giám sát quá trình vận hành thử nghiệm và kiểm tra việc hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án “Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (công suất 420.000 tấn giấy/năm)” của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam… Trong quá trình Dự án vận hành thử nghiệm, Nhóm Kỹ thuật thường trực đã tiến hành giám sát thường xuyên hoạt động của các công trình bảo vệ môi trường; định kỳ hàng tuần gửi báo cáo đến Tổ giám sát. Tổ giám sát (có đại diện trong Nhóm Kỹ thuật thường trực) định kỳ 01 tháng/lần tổ chức kiểm tra hoạt động của Nhà máy và các công trình bảo vệ môi trường; định kỳ 01 tháng/lần báo cáo Lãnh đạo Bộ và UBND tỉnh Hậu Giang kết quả giám sát quá trình vận hành thử nghiệm của Dự án.

bo truong tran hong ha1Ông Lữ Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc

Trên cơ sở kết quả giám sát quá trình vận hành thử nghiệm và theo đề nghị của Công ty, ngày 08/8/2017 Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang tổ chức Đoàn kiểm tra việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành Dự án theo Quyết định số 831/QĐ-TCMT ngày 31/7/2017 của Tổng cục Môi trường. Đoàn kiểm tra có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang; các chuyên gia môi trường (GS.TS Nguyễn Văn Phước, PGS.TS Đinh Xuân Thắng, PGS.TS Mai Tuấn Anh và PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn) và trưng cầu Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM lấy, phân tích các nguồn nước thải, khí thải để đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngày 05/10/2017 Tổng cục Môi trường đã tiếp tục phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức Đoàn kiểm tra việc hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 831/QĐ-TCMT. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết: Đến nay, Công ty đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của Dự án theo nội dung Báo cáo ĐTM (lập lại) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; đồng thời đã thực hiện một số hạng mục bảo vệ môi trường bổ sung theo yêu cầu của Tổ giám sát.

bo truong tran hong ha 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại buổi làm việc

Đoàn kiểm tra ghi nhận về tổng thể Công ty đã đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường hoàn chỉnh về xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; môi trường khu vực Nhà máy được quản lý tốt, nước thải sau xử lý trong, không có mùi lạ; chất thải rắn được quản lý riêng biệt, sạch sẽ; không khí khu vực Nhà máy không có mùi hôi; công tác vệ sinh môi trường lao động tại các khu vực sản xuất, các tuyến đường giao thông nội bộ và các khu vực quản lý, xử lý chất thải đã được Công ty quản lý nghiêm túc, sạch sẽ; đã đầu tư trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên Nhà máy và thảm xanh đang phát triển tốt.

Đối với sự cố phát sinh mùi hôi vào đầu tháng 9/2017: Sau khi nhận được phản ánh, Công ty đã rà soát và xác định nguyên nhân phát sinh mùi là từ bãi chứa bã giấy chất lượng thấp chờ tái chế bị nước mưa làm ẩm và gây mùi khó chịu (bã giấy được để ngoài trời, có phủ bạt nhưng chưa đảm bảo kín hoàn toàn). Ngay sau đó, Công ty đã chuyển giao toàn bộ lượng bã giấy nêu trên cho đơn vị chức năng xử lý; lượng bã giấy mới sẽ được lưu giữ trong khu vực nhà xưởng có mái che và cam kết không để xảy ra sự cố tương tự trong quá trình hoạt động.

bo truong tran hong ha 3Bộ trưởng kiểm tra hệ thống điều khiển tự động xử lý nước thải tại nhà máy

Đến nay, Công ty đã hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của Dự án theo nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt và thực hiện các yêu cầu bổ sung của Tổ giám sát; các hệ thống xử lý nước thải, khí thải của Dự án đã vận hành ổn định và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định. Quá trình vận hành thử nghiệm Dự án từ tháng 3/2017 đến nay đang được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổng cục Môi trường và các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang. Từ đó, Tổng cục Môi trường kính đề nghị Bộ trưởng cho phép Tổng cục Môi trường tiến hành thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với Dự án theo quy định để Nhà máy đi vào hoạt động chính thức…

Phát biểu tại buổi làm việc chiều 19/10, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết Nhà máy Lee & Man Hậu Giang là một trong những nhà máy có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến hiện đạt nhất trong chuỗi hệ thống Nhà máy Lee & Man trên thế giới và đạt chuẩn tại Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo sự đồng thuận của người dân với doanh nghiệp, tạo môi trường bình yên cho nhà máy sản xuất kinh doanh, đừng để xảy ra sự cố đáng tiếc gì mà không có liên quan đến công nghệ. Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, hiện nay trên sông Hậu không chỉ có Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang mà còn có nhiều nhà máy khác cũng xả thải, vì vậy phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất, không nên để xảy ra sự cố mới đi xử lý.

bo truong tran hong ha2

Tổng giám đốc Lee & Man Hậu Giang báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà chất lượng nước thải sau xử lý của Lee&Man Hậu Giang

Còn ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết đến nay Hiệp hộp có thể yên tâm vì Nhà máy giấy Lee & Man không sản xuất bột giấy.

Theo ông Hoè, Nhà máy cần kiểm soát ngay từ đầu phế thái sản xuất và cần làm rõ hơn vấn đề kim loại nặng trong nước thải. Nhà máy cần lắp đặt thêm hệ thống kiểm soát và xử lý triệt để lượng khói và bụi trong quá trình sản xuất để người dân xung quanh yên tâm. Cũng theo ông Hoè, cần công khai rõ các doanh nghiệp xử lý chất thải, rác thải của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang. Các doanh nghiệp này phải có đủ khả năng, năng lực để xử lý tốt chất thải của Nhà máy, đặc biệt là chất thải nguy hại.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông CHUNG WAI FU – Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết: Trong quá trình chạy thử, nhà máy không để xảy ra những sự cố nguy hại về môi trường, tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh và đã được xử lý nghiêm túc, có hiệu quả, cụ thể: Xử lý mùi từ công đoạn xử lý yếm khí: Tháng 3/2017, phát hiện mùi hôi ở hệ thống xử lý yếm khí và lưu trữ bùn trước khi đốt có thể ảnh hưởng đến khu dân cư lân cận (mùi hôi này xuất hiện do trong qúa trình vi khuẩn yếm khí xử lý nước thải, hoàn toàn không gây hại nhưng khi bay vào khu dân cư có thể làm khó chịu cho sinh hoạt hàng ngày), nhà máy đã ngay lập tức triển khai việc lắp đặt thiết bị khử mùi và đến tháng 4/2017, đã hoàn toàn khống chế được việc phát tán mùi từ bể xử lý yếm khí.

bo truong tran hong ha3
Bộ trưởng quan sát dòng Hậu Giang, nơi tiếp giáp với Nhà máy

Ông CHUNG WAI FU – Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết thêm về việc xử lý tiếng ồn và bụi: Mặc dù việc phát sinh tiếng ồn (chủ yếu là tiếng nước chảy ở tháp làm mát của nhà máy điện) và bụi (được cho là có thể từ kho than khi gặp trời nóng và gió lớn) mặc dù vẫn nằm trong các giới hạn cho phép, nhưng đã được xử lý nhanh chóng bằng hệ thống tường ngăn giảm âm và che phủ khu kho than.

Xử lý mùi phát sinh từ lưu trữ tạm thời nguyên liệu: ngày 7/9/2017, Công ty nhận được phản ánh từ khu vực dân cư lân cận về việc mùi hôi từ khu vực nhà máy có ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận, ngay sau đó, và ngay sau đó, nguyên nhân đã được xác định là xuất phát từ khu vực lưu trữ sợi giấy chất lượng thấp (Khi sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu là giấy tái chế, có một lượng nhất định các sợi giấy có chiều dài sợi giấy ngắn chỉ sử dụng khi sản xuất giấy bao bì phẩm cấp thấp,…được chúng tôi lưu giữ tại nhà máy để sử dụng khi dây chuyền sản xuất giấy bao bì có phẩm cấp thấp hơn).

Khi khu vực lưu giữ sợi giấy ngắn phẩm cấp thấp này bị mưa trong nhiều ngày và sau đó, gặp nắng lên thì sẽ bốc mùi hôi, đặc biệt khi Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang thực hiện việc vận chuyển. Mùi này tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho sinh hoạt bình thường. Ngay khi nhận được khiếu nại của người dân, Công ty đã lập tức xác nhận và khắc phục, di chuyển và làm sạch toàn bộ khu vực lưu trữ, đến ngày 9/9/2017, mùi hôi đã hoàn toàn không còn ảnh hưởng đến khu dân cư.

bo truong tran hong ha8
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị: Mỗi người dân cần trở thành một kênh giám sát việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường tại Lee & Man Hậu Giang

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan quản lý chức năng từ Trung ương tới địa phương, các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Hậu Giang và của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy giấy cho đến ngày hôm nay.

Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã đặt ra yêu cầu 5 vấn đề đối với Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang cần phải đặc biệt lưu ý triển khai trước khi vận hành sản xuất chính thức, đó là:

Thứ nhất, làm thế nào để hệ thống xử lý chất thải, nước thải đã được đầu tư bài bản phải duy trì sự vận hành liên tục, hiệu quả trong suốt quá trình sản xuất của Nhà máy sau này.

Thứ hai, Nhà máy cần phải sớm ban hành quy trình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống xử lý toàn bộ các chất thải, nước thải của nhà máy.

Thứ ba, trong vòng 6 tháng Nhà máy phải xây dựng và phê duyệt được các định mức về kinh tế – kỹ thuật như vật tư, hoá chất, năng lượng, nước…và quản lý hệ thống định mức này theo các tiêu chuẩn ISO. Các số liệu này đều phải được công khai để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Thứ tư, Nhà máy cần sớm có biện pháp xử lý triệt để mùi hôi bốc ra trong quá trình sản xuất. Hiện tại người dân vẫn có ý kiến phản ánh tình trạng có mùi hôi bốc ra từ Nhà máy trong khoảng thời gian ban đêm.

Thứ năm, cần công khai, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của Nhà máy; đặc biệt là các chất thải như xỉ than, tro bay, xỉ đáy lò…Cần kiểm tra các doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật để xử lý chất thải của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang hay không.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu cần phải cụ thể hoá các cam kết bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang; đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với tỉnh Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam.

bo truong tran hong ha4

Kiểm tra hệ thống quan trắc môi trường tự động được truyền liên tục về Sở TN&MT Hậu Giang, Bộ trưởng yêu cầu đây là công tác cần phải được duy trì liên tục 24h/24h hàng ngày

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm từ trường hợp Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang chúng ta đã có được kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhưng không hy sinh, không đánh đổi môi trường. Đó là sự chuyển biến, thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi cơ chế chính sách trong đầu tư phát triển kinh tế, phải có tầm nhìn xa, trông rộng ngay từ khâu quy hoạch (quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội và các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch tài nguyên nước, tài nguyên đất…phải bền vững mang tính liên vùng).

Để từ đó bố trí quy hoạch dân cư, phát triển triển kinh tế bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó là sự tham gia phản biện chính sách cũng như sự phối hợp đồng bộ, thống nhất của các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là sự giám sát của các tầng lớp nhân dân.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là sông Tiền và sông Hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết quan điểm Bộ TN&MT sẽ rà soát để lập danh sách các doanh nghiệp là chủ nguồn thải có quy mô lớn để công khai kiểm tra, giám sát; đồng thời sẽ báo cáo Chính phủ việc nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm giám sát môi trường liên vùng, liên tỉnh…

Những kiến nghị của Tổ công tác với Bộ trưởng Bộ TN&MT trong việc tiếp tục thực hiện một số công việc đối với Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang

1. Đối với Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam:

– Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, đạo đức của cán bộ quản lý, vận hành đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về trình độ công nghệ của các công trình bảo vệ môi trường, giám sát môi trường tự động liên tục và định kỳ. Thực hiện nghiêm quy trình vận hành, ứng phó sự cố các công trình xử lý nước thải, khí thải đã cam kết.

– Tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các thông tin về môi trường của Nhà máy cho người dân và cộng đồng dân cư trong khu vực để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và giám sát. Chủ động phối hợp với chính quyền, Tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của địa phương tổ chức các hình thức giám sát của người dân một cách bài bản, khoa học, có tổ chức và đạt hiệu quả cao.

– Tăng cường trồng cây xanh với các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng trong khu vực Nhà máy điện.

– Nghiên cứu tăng cường tái sử dụng nước thải sau xử lý vào quy trình sản xuất để thực hiện chính sách tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu nguồn nước thải ra ngoài môi trường.

2. Đối với tỉnh Hậu Giang:

– Giao sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi số liệu do trạm quan trắc tự động hệ thống xử lý nước thải Lee & Man gửi về; định kỳ hoặc đột xuất (khi cần) kiểm tra thực tế môi trường khu vực Nhà máy; xây dựng chương trình phối hợp với Nhà máy về công khai thông tin, tuyên truyền, giám sát môi trường khu vực nhà máy.

– Chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ban ngành liên quan lập và triển khai phương án giám sát chất lượng môi trường nước sông Hậu xung quanh khu vực Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, phương án ứng phó sự cố môi trường và kiểm soát an ninh môi trường tại và xung quanh khu vực này; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các cơ sở xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Hậu. Xử phạt nghiêm những hành vi cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

-Phối hợp với các tỉnh thượng nguồn sông Hậu xây dựng chương trình phối hợp giám sát, quản lý môi trường nước trên toàn bộ lưu vực sông Hậu, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững khu vực.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giám sát chặt việc thực hiện các cam kết BVMT của Nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang