Bộ trưởng Y tế: Bức tranh COVID-19 vẫn chưa có sáng sủa, mục tiêu năm 2021 vẫn là chống đại dịch

Ngọc An|06/01/2021 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đặt ra mục tiêu làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Bộ trưởng Y tế kêu gọi ngành y tế coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài.

Tại Hội nghị y tế toàn quốc ngày 6/1, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, trong lịch sử ngành y tế chưa bao giờ có một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như trong thời gian qua.

“Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào một trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh. Có những câu chuyện cán bộ y tế khi tạm biệt có nói với gia đình rằng ngày hôm nay đi có thể trở về vinh quang nhưng cũng có thể không trở về vì khi bị bệnh nằm tại bệnh viện có thể có tỷ lệ tử vong xảy ra. Đó là những tấm gương hết sức trân quý”, Bộ trưởng nói.

Nhắc đến sự hỗ trợ hết sức to lớn của lực lượng cắm chốt biên giới, Bộ trưởng Long cho biết từ Tết Canh Tý đến nay, cả nước duy trì 1600 điểm chốt ở vùng biên, với gần 10000 chiến sĩ cắm chốt. Có những chiến sĩ 6 tháng chưa được về nhà.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, chặng đường trước mắt hết sức cam go với mục tiêu cho nhân dân trước mắt là Tết an lành. Làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là điều mong mỏi của ngành y tế.

“Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, chúng ta xác định phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên. Bức tranh dịch COVID-19 chưa có gì sáng sủa, vẫn nặng nề”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị y tế toàn quốc

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, lịch sử ngành y tế Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như thời gian qua.

“Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh. Có những câu chuyện cán bộ y tế khi tạm biệt nói với gia đình rằng ngày hôm nay đi có thể trở về vinh quang, nhưng cũng có thể không trở về vì khi bị bệnh và đối mặt với nguy cơ tử vong. Đó là những tấm gương hết sức trân quý”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Long cũng điểm lại những điểm sáng trong lĩnh vực truyền thông, khoa học công nghệ. Với hơn 20 tỷ tin nhắn được các nhà mạng gửi đến người dân trong thời gian ngắn là kỷ lục. Nhờ đó người Việt Nam đồng lòng, ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước đầu tiên giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2, 1 trong 5 nước sản xuất sinh phẩm kháng thể, một trong số ít nước trong khu vực sản xuất vaccine phòng COVID-19, chủ động sản xuất máy thở..

Phấn đấu đạt chỉ tiêu chủ yếu năm 2021 được Quốc hội và Chính phủ giao: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91% và đạt các chỉ tiêu cụ thể của ngành y tế được Chính phủ giao; đạt các chỉ tiêu y tế, dân số được giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Ngành y tế cũng đang xây dựng đề án quy hoạch tổng thể ngành y tế đến năm 2045. Bộ trưởng cho biết, quy hoạch này sẽ mở rộng hơn về quy hoạch hoạt động của ngành, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác y tế, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính. “Chúng tôi cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm 2021”, Bộ trưởng cho hay.

Tháng 1/2021, Bộ Y tế xin trình Chính phủ đề án đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 28 tỉnh, thành phố này phải có chế độ chính sách đào tạo đặc biệt và thu hút nguồn nhân lực mới đáp ứng nhân lực y tế.

Đến tháng 3/2021, ngành y tế sẽ chính thức đưa trí tuệ nhân tạo vào cấp phép với ngành dược, thực phẩm. Tháng 7/2021 thực thi khám chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy. Đây là mục tiêu tham vọng, nhưng phải thực hiện để có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền y tế số trong tương lai. Tiến tới sẽ sử dụng bệnh án dùng chung – một bước cao hơn cho các tuyến, nhằm tiết kiệm chi phí thực hiện cận lâm sàng cho bệnh nhân.

Về đổi mới tài chính y tế, Bộ Y tế đang áp dụng thí điểm phương thức thanh toán bảo hiểm y tế DRG và dự kiến đến tháng 7/2021 triển khai toàn quốc; áp dụng chi trả theo định xuất, thực hiện phân cấp mạnh thẩm quyền quyết định mua sắm; Xây dựng Nghị định xã hội hóa, liên doanh liên kết.

Bộ Y tế cũng kiến nghị cần giải quyết dứt điểm nợ đọng quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2017 trở lại đây, có chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo chuyên khoa và vùng khó khăn vì “khó thu hút nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này”.

Ngọc An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế: Bức tranh COVID-19 vẫn chưa có sáng sủa, mục tiêu năm 2021 vẫn là chống đại dịch