Bộ Y tế họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch

Theo Moh|01/09/2017 02:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 31/8/2017 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Y tế họp về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) và các dịch bệnh khác. GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch

Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Xây dựng, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: từ đầu năm đến ngày 30/8/2017 cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người hợp nhập viện là 91.656 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 43.5%%, số trường hợp tử vong tăng 7 trường hợp. Số mắc tập trung cao nhất tại khu vực miền Nam (51.2%), sau đó là khu vực miền Bắc (31,3%), khu vực miền Trung (14,3%), khu vực Tây Nguyên (3,2%).

Tại hà Nội, tính từ ngày 1/1/2017 đến ngày 28/8/2017 đã ghi nhận 22.296 bệnh nhân mắc SXH, 07 trường hợp tử vong. Số mắc trong tuần từ 14/8 – 20/8 giảm 612 trường hợp.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm: Trong thời gian qua Bộ Y tế đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt tại TP. Hà Nội đã tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động diện rộng trên toàn Thành phố Hà Nội, huy động các lực lượng Ban/ngành tham gia chiến dịch, đặc biệt triển khai đội Xung kích là học sinh, sinh viên từ các trường Đại học Y, cùng với đó là sự tham gia của các chuyên gia từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương để hỗ trợ TP.Hà Nội trong công tác phòng chống SXH. Đến thời điểm này, dịch đã có xu hướng chững lại và giảm.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhận định trong thời gian tới do thời tiết nắng mưa bất thường, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sản đẻ trứng diễn biến dịch SXH có thể vẫn phức tạp nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng dịch.

Báo cáo tình hình dịch SXH tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hà Nội cho biết: từ ngày 1/1 đến 28/8/2017, Hà Nội ghi nhận 22.296 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xu hướng giảm so với các tuần trước. Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch SXH của Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất; số lượng đội xung kích, thanh niên tình nguyện còn trẻ nên khi tham gia tới người dân còn chưa được sự tin tưởng…

Tại cuộc họp thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã cùng thảo luận và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, cũng như nêu lên những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố Hà Nội với công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: tình hình dịch SXH tại Hà Nội có xu hướng chững lại, nhưng trên cả nước vẫn có diễn biến phức tạp vì thế để có tính bền vững và ổn định lâu dài cho công tác phòng chống dịch cần tập trung quyết liệt hơn nữa và tuyệt đối không lơ là.

Đồng chí Thứ trưởng cho rằng các tỉnh đồng bằng bắc bộ như tỉnh Nam Định, Thanh Hóa đã xuất hiện dịch SXH, Thứ trưởng khuyến cáo tại các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch SXH, không lơ là chủ quan. Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân với việc tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp và cọ rửa các vật dụng chứa nước.

Đồng chí Thứ trưởng giao Vụ truyền thông thi đua khen thưởng và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống dịch SXH và các dịch bệnh khác.

Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các bộ Bộ/Ban/Ngành chỉ đạo các đơn vị của mình vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống dịch đặc biệt cần xử lý nghiêm tới các công trường xây dựng và những trường hợp người dân không phối hợp trong việc phun thuốc phòng chống dịch. Thứ trưởng hy vọng trong thời gian tới với sự tham gia quyết liệt của các cấp ngành công tác phòng chống dịch sẽ đạt kết quả cao hơn.

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá …

3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Moh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch