Bộ Y tế họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm trên địa bàn TP.Hà Nội

14/02/2018 02:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều 13/2, Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm. trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Số ca mắc bệnh cúm tăng mạnh trong 1 tháng – ảnh minh họa

Theo báo cáo của các bệnh viện, số ca mắc cúm từ đầu năm đến nay gia tăng đột biến. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận hơn 700 bệnh nhi mắc cúm; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân cúm. Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân cúm đến khám. Các bệnh viện đã huy động nhân lực, trang thiết bị và thuốc men đủ để ứng phó với dịch bệnh cúm, nhất là tổ chức phân luồng từ khoa khám bệnh, dành riêng số giường bệnh để điều trị, cách ly các bệnh nhân mắc cúm nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Trong đó, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tháng một thành phố ghi nhận hơn 1.000 ca cúm, chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng có độc lực cao. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 12/2017 đến nay có 830 bệnh nhân cúm đến khám, gần 390 người phải nhập viện.

Ngoài ra, tại buổi họp theo đại diện các bệnh viện, do bệnh nhân cúm gia tăng đã có tình trạng khan hiếm thuốc trị bệnh ngoài thị trường. Thậm chí, có bệnh nhân phải mua 500.000 đồng một viên, thậm chí là 5 triệu một vỉ thuốc. Trong khi đó, thuốc Tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao.

Hiện tại Bệnh viện Đống Đa cũng chỉ còn 300 viên. Cách đây 1 tuần, Bệnh viện Xanh Pôn cũng không có thuốc nhưng hiện đã có 200 viên. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn còn hơn 6.000 viên, kho dự trữ còn 35.000 viên, đã cho một số cơ sở y tế vay. Tại Bệnh viện Bạch Mai, còn khoảng 1.200 viên và bố trí sẵn 12 máy ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể).

Cũng theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, sở dĩ có tình trạng khan hiếm Tamiflu là do người dân lo lắng, mua thuốc về dự trữ hoặc tự ý sử dụng.

Ths Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo, các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này; yêu cầu các bệnh viện giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã quán triệt 7 chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm, không để bùng phát trong mùa đông – xuân, mùa lễ hội và Tết Nguyên đán.

Trong tối 13/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành Chỉ thị 153/CT-BYT về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Xuân năm 2018.

Theo đó, trong những tuần đầu năm 2018, tình hình dịch cúm, bệnh sởi trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp về giám sát và phòng chống bệnh sởi và cúm ở người, đồng thời thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng các đội cấp cứu cơ động của bệnh viện để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu…

Ngọc Ngọc (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm trên địa bàn TP.Hà Nội