Bỏng nắng do tia UV và cách xử trí

Hồng Anh|12/05/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nắng nóng kèm theo đó là cường độ tia cực tím cao tới mức nguy hiểm, khiến người đi ra nắng có thể bị bỏng da nếu không có các biện pháp bảo vệ.

Tia UV có những loại nào?

Bỏng nắng do tia UV, còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím. UV bao gồm tia A (bước sóng từ 380 đến 315 nm), tia B (bước sóng 315 – 280 nm), tia C (bước sóng ngắn hơn 280 nm).

Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ gây mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương và làm đen da. Người bị bỏng nắng chủ yếu do tia này. Tia UVC năng lượng cao nhất, gây ung thư da, may mắn đã có tầng ozon chặn lại.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động 0-2 được xem là thấp, chỉ số UV 8-10 thời gian tiếp xúc gây bỏng là 25 phút. Chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.

Người dân mang áo chống nắng kín mít để bảo vệ da dưới cái nắng nóng.

Xử trí khi bị cháy nắng

Trường hợp lỡ để da bị cháy nắng, ửng đỏ, phồng rộp… thì phải có liệu trình phục hồi phù hợp bằng cách sử dụng kem dưỡng da thường xuyên, tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với ánh nắng trong 3 tuần vì đây là thời gian tối thiểu để da hình thành một lớp mới. Nếu không bảo vệ da sau khi cháy nắng thì làn da sẽ bị đen, sạm, tối màu mà không hồi phục được. Việc để da tiếp xúc liên tục với tia UV có thể làm ung thư da. Có nhiều dạng ung thư da, bao gồm: Ung thư u hắc tố, ung thư tế bào biểu mô, ung thư tế bào biểu mô có vảy và các khối u ác tính.

Dùng đá bọc trong vải để áp lạnh lên vùng da tổn thương giúp giảm đau rát… hoặc tắm nước hơi lạnh. Bôi kem giữ ẩm, kem dưỡng da lô hội hoặc kem hydrocortison vùng da bị tổn thương. Bạn không nên chọc vỡ các mụn nước vì chúng chứa huyết tương của cơ thể có tác dụng như một lớp bảo vệ. Nếu mụn nước bị phá vỡ sẽ làm chậm quá trình lành da và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Chỉ nên dùng gạc vô khuẩn băng nhẹ bao mụn nước. Nếu mụn nước tự vỡ, nên dùng một loại kem kháng khuẩn bôi lên để bảo vệ giúp giảm đau rát và ngừa nhiễm khuẩn. Bạn nên uống nhiều nước, nhất là nước oresol, các loại nước trái cây như nước cam, chanh… Vì ánh nắng mặt trời và nhiệt độ có thể gây mất nước qua da nên bạn cần bổ sung nước và muối cho cơ thể. Trong vòng một vài ngày, các vùng da tổn thương sẽ lột và bong ra. Khi đó, bạn cần sử dụng kem dưỡng ẩm bôi lên da.

Phòng ngừa cháy nắng

Mùa nắng nóng, mọi người cần phòng tránh cháy nắng và các tác hại do nắng nóng bằng cách: tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều vì tia nắng mặt trời mạnh nhất trong những giờ này. Nếu không thể tránh được ánh nắng mặt trời thì nên giới hạn thời gian ở ngoài trời trong những giờ cao điểm.

Nên mặc quần áo chống nắng, đeo găng tay và chân, đội mũ, nón rộng vành. Dùng kem chống nắng thường xuyên. Nên bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc sớm hơn nếu kem đã bị trôi bởi mồ hôi. Đeo kính râm để bảo vệ mắt. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên uống nhiều nước thường xuyên trước khi cảm thấy khát. Tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây có tính mát như dưa hấu, đu đủ, thanh long, bơ…

Hồng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏng nắng do tia UV và cách xử trí