Buông lỏng quản lý đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bị kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm

Hồng Anh|15/08/2020 07:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành cho thấy trong quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có hàng loạt sai phạm. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo tỉnh.

Ngày 14/8, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo kết luận thanh tra, nhìn chung trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã được UBND tỉnh Ninh Thuận và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện theo quy định của Nhà nước. UBND tỉnh đã phê duyệt và trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, làm căn cứ pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đất đai, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm.

Tình hình vi phạm, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận diễn biến phức tạp. Ảnh: NĐT.

Sai phạm trong quản lý đất và khai thác cát, sỏi

Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc triển khai công tác lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ, chất lượng có mặt còn hạn chế; khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng điện mặt trời trên địa bàn.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố còn chưa phù hợp quy định, chất lượng các quy hoạch chưa cao, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực trạng tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương dẫn đến phải điều chỉnh. Một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực hiện chưa đạt yêu cầu, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp thấp.

Trình tự, thủ tục một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất còn thiếu sót, khuyết điểm như: diện tích sử dụng đất của dự án không phù hợp với diện tích đất trong quy hoạch sử dụng; một số dự án điện mặt trời sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi, nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất…

Tại một số dự án, việc đưa đất vào sử dụng còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, diện tích đất bàn giao cũng như hạ tầng đấu nối cấp nước, cấp điện không đồng bộ; một số dự án do năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế; có dự án vi phạm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý đất rừng.

Một số hồ sơ xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất áp dụng không đúng quy trình của pháp luật về phương pháp xác định giá đất. Việc đôn đốc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai chưa thường xuyên, kịp thời, số tiền còn phải thu là 27,415 tỷ đồng.

Chưa có kế hoạch, phương án cụ thể để khai thác quỹ đất thu hồi theo đúng quy định pháp luật, có những khu đất thu hồi từ năm 2015 hiện vẫn còn để trống.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm của UBND tỉnh Ninh Thuận về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi lòng sông).

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận chưa lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017-2018 theo quy định tại Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 26/10/2015.

Cơ quan chuyên ngành chậm tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo tiêu chí mới của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Mặt khác, năm 2016, UBND tỉnh cho thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 2 giấy phép thăm dò tại khu vực chưa có kết quả thăm dò. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra chưa được cấp phép khai thác.

Sông Dinh Ninh Thuận bị “băm nát” vì hoạt động khai thác cát, sỏi. Ảnh: TNMT.

UBND tỉnh chậm phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là chưa thực hiện Điều 18 Luật Khoáng sản 2010. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng đến nay, chưa truy thu được số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

UBND tỉnh để chủ mỏ sau khi được cấp phép chậm khai thác, khai thác không đảm bảo về tiến độ trong dự án đầu tư nhưng không kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Khoáng sản 2010. Các cơ quan quản lý của tỉnh Ninh Thuận kiểm tra, phát hiện có sai phạm trong việc khai thác xuất khẩu cát nhiễm mặn nhưng chậm kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Buông lỏng quản lý, làm thất thoát ngân sách nhà nước

Đối với công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh còn thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với một số nội dung. Các sở, ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, địa phương, để xảy ra các khuyết điểm, tồn tại.

Đối với công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước còn những hạn chế nhất định về năng lực, trách nhiệm. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng thiếu chặt chẽ; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều sai sót; việc bàn giao đưa vào sử dụng còn chậm, đế công trình xuống cấp…. Từ đó dẫn đến việc phát sinh chi phí đầu tư xây dựng; chậm tiến độ dự án đầu tư; có nguy cơ lãng phí, thiệt hại ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Một số vi phạm về kinh tế, tài chính cần phải được xử lý như phê duyệt lại dự toán, điều chỉnh giá trị hợp đồng xây dựng, giảm trừ thanh quyết toán và thu hồi về ngân sách nhà nước với số tiền gần 28,367 tỷ đồng.

Việc thực hiện các dự án xây dựng – chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn chậm, không đảm bảo tiến độ bàn giao đưa vào sử dụng; chậm giao đất để thanh toán cho nhà đầu tư, gây lãng phí nguồn lực đất đai và ảnh hưởng đến hiệu quả nhà đầu tư.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án không sử dụng vốn nhà nước có nhiều sai phạm, khuyết điểm, trong đó đáng kể như triển khai thủ tục lựa chọn chủ đầu tư một số dự án chưa thực hiện theo đúng quy trình; việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép chứng nhận đầu tư có nhiều hạn chế…

Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm chính thuộc Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; chủ đầu tư dự án và các đơn vị có liên quan.

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm

Từ những kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 188 tỷ đồng từ những sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.

Hồng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bị kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm